Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính thuế, hóa đơn. Nhiều nội dung mới sẽ được Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất, trong đó, tăng mức xử phạt tiền đối với vi phạm về thủ tục thuế được kỳ vọng sẽ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, từ năm 2014 đến nay số vụ vi phạm về thủ tục thuế tăng nhiều theo từng năm. Nếu như năm 2014, có 34.837 số vụ vi phạm thủ tục thuế và 10.557 số vụ vi phạm về hóa đơn, thì đến năm 2018, con số này là 192.174 và 45.513.
Lý giải về điều này, Bộ Tài chính đã chỉ rõ một trong những nguyên nhân là mức phạt tiền thấp nên chưa đảm bảo tính phòng ngừa, chưa đủ nghiêm khắc để người nộp thuế nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế đối với nghĩa vụ đăng ký thuế và khai các chỉ tiêu trên hồ sơ khai thuế.
Để khắc phục tình trạng này, việc tăng mức xử phạt tiền đối với vi phạm về thủ tục thuế là việc cấp thiết.
Bộ Tài chính cho biết, nội dung của dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn tại Chương I Nghị định số 129/2013/NĐ-CP, Nghị định số 109/2013/NĐ-CP và Nghị định số 49/2016/NĐ-CP. Sửa đổi, bổ sung một số quy định cho phù hợp với Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Luật Xử lý vi phạm hành chính và xử lý những tồn tại, bất cập phát sinh trong thực tế.
Bộ Tài chính đề xuất tăng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm thủ tục thuế, quy định chi tiết hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế, mức phạt tiền cụ thể đối với hành vi trốn thuế.
Cụ thể, đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về thời hạn đăng ký thuế, đề xuất mức xử phạt từ 1 – 10 triệu đồng, trong đó, bổ sung quy định chi tiết các hành vi theo từng cấp độ chậm đăng ký thuế. Bổ sung hành vi vi phạm thời hạn đăng ký thay đổi nội dung đăng ký thuế, đăng ký tạm ngừng hoạt động.
Đối với trường hợp người nộp thuế khai sai, khai không đầy đủ nội dung trong hồ sơ khai thuế, đề xuất mức xử phạt từ 1 – 3 triệu đồng. Nếu hành vi khai sai không dẫn đến thiếu thuế, hoặc hành vi thuộc trốn thuế nhưng chưa gây hậu quả, bị xử phạt từ 5 – 8 triệu đồng.
Dự thảo cũng bổ sung quy định phạt tiền từ 8 – 12 triệu đồng đối với hành vi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký thuế, hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế, hồ sơ tạm ngừng hoạt động, kinh doanh; hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế đã nộp đến cơ quan thuế.
Đối với nhóm hành vi chậm nộp hồ sơ, theo dự thảo, hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế bị xử phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền ở mức phạt thấp, từ 2 – 5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm với số ngày từ 1 đến 30 ngày. Tuy nhiên, nếu chậm nộp trên 30 ngày sẽ bị phạt nặng, từ 5 – 15 triệu đồng.
Nếu nộp hồ sơ khai thuế quá 90 ngày, thuộc hành vi trốn thuế, nhưng người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước khi cơ quan thuế công bố quyết định thanh tra, hoặc trước khi lập biên bản thì không bị xử phạt về hành vi trốn thuế, nhưng bị xử phạt với mức tiền phạt từ 15 – 25 triệu đồng để tương ứng với mức độ, tính chất của hành vi này.
Đối với nhóm hành vi vi phạm quy định về cung cấp thông tin liên quan đến nghĩa vụ thuế, đề xuất mức xử phạt từ 2 – 5 triệu đồng. Nếu vi phạm quy định chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra sẽ bị xử phạt từ 2 – 10 triệu đồng. Đồng thời, chuyển hành vi không ký biên bản thanh tra, kiểm tra tại khoản 2, Điều 13 dự thảo về nhóm hành vi tại khoản 1 với mức độ ít nghiêm trọng hơn.
Hành vi khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp, hoặc tăng số tiền thuế được hoàn có thể bị xử phạt đến 20% số tiền thuế khai thiếu. Đối với hành vi trốn thuế, tùy từng hành vi tăng nặng hoặc giảm nhẹ sẽ có mức phạt từ 1 – 3 lần số thuế đã trốn.
Xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn
Dự thảo nghị định cũng quy định về hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả. Theo đó, dự thảo đã điều chỉnh giảm mức phạt tiền đối với một số hành vi không lập hóa đơn tổng hợp và hành vi không gạch chéo, hủy, xóa bỏ đối với hóa đơn đã lập, hóa đơn chưa lập không còn giá trị sử dụng (điều chỉnh giảm mức phạt từ 4 – 8 triệu đồng xuống mức phạt từ 0,5 – 1,5 triệu đồng để tương ứng với mức độ vi phạm nhẹ).
Dự thảo đề xuất bỏ chế tài xử phạt đối với hành vi làm mất hóa đơn, nhưng tổ chức cá nhân đã tìm thấy hóa đơn trước khi cơ quan thuế ra quyết định xử phạt.
Để phù hợp với Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 về hóa đơn điện tử, dự thảo bổ sung hành vi vi phạm quy định về khởi tạo, đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử.
Theo đó, nếu người nộp thuế chậm bổ sung thay đổi thông tin trên đăng ký sử dụng hóa đơn; khởi tạo hóa đơn điện tử không đủ nội dung, không đúng định dạng quy định; chậm bổ sung thay đổi thông tin trên đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử từ 10 ngày trở lên sẽ bị xử phạt.
Đồng thời, Dự thảo cũng bổ sung hành vi vi phạm quy định về lập hóa đơn điện tử như: Lập hóa đơn điện tử khi chưa có thông báo chấp thuận của cơ quan thuế; lập hóa đơn sai loại hóa đơn giao cho khách hàng; ngày ghi trên hóa đơn đã lập xảy ra trước ngày mua hóa đơn của cơ quan thuế; lập hóa đơn nhưng không giao hoặc chuyển cho người mua; không lập bảng kê hoặc không lập hóa đơn tổng hợp theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ.
Bên cạnh đó, đối với hành vi vi phạm quy định về hủy hóa đơn điện tử và hóa đơn giấy, nếu người nộp thuế chậm hủy hóa đơn giấy khi được thông báo chấp nhận được sử dụng hóa đơn điện tử của cơ quan thuế; không hủy hóa đơn giấy còn tồn chưa sử dụng kể từ khi nhận được thông báo chấp nhận sử dụng hóa đơn điện tử của cơ quan thuế; không hủy hóa đơn điện tử khi lập sai sót cũng sẽ bị xử phạt…
Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ Tư vấn Blue để được tư vẫn miễn phí.