Đó là một trong những kết quả từ cuộc khảo sát mức độ hài lòng của DN với các dịch vụ của cơ quan thuế được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Thuế thực hiện và công bố mới đây.
Cụ thể với chỉ tiêu về hóa đơn điện tử (HĐĐT), có 97% DN biết đến HĐĐT nhưng mức độ hiểu biết khác nhau. Cụ thể, 12% DN nắm “rất rõ” và 45% DN biết “tương đối rõ” về HĐĐT. Số “chỉ biết một chút” là 39% và chỉ có 3% DN không biết, hoặc lần đầu tiên nghe nói tới HĐĐT thông qua việc tham gia cuộc khảo sát này. Nếu chia theo thành phần kinh tế, thì DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hiểu rõ hơn về HĐĐT, khi có tới 69% DN hiểu tương đối rõ và rất rõ. Trong khi tỷ lệ này ở DNNN là 64% và DN dân doanh là 56%.
Tương tự, nếu phân chia các DN theo khu vực địa lý, thì khoảng 2/3 số DN ở TP HCM hiểu về HĐĐT, cao hơn hẳn so với mức trung bình của cả nước là 57%. Tuy nhiên, nếu loại trừ TP HCM thì chỉ có 50,5% DN ở Đông Nam bộ biết về HĐĐT, thấp hơn tỷ lệ tương ứng của DN khu vực miền núi phía Bắc (51%) và thấp nhất trong số các khu vực địa lý được liệt kê. Các DN có quy mô khác nhau thì hiểu biết về HĐĐT cũng có khác biệt. Trong đó, nhóm DN có doanh thu dưới 10 tỷ đồng có tỷ lệ nắm bắt về HĐĐT thấp hơn đáng kể so với các nhóm DN ở quy mô doanh thu cao hơn. Riêng nhóm DN có quy mô nhỏ hiện nay chưa biết rõ, hoặc thiếu thông tin về HĐĐT so với các doanh DN quy mô vừa và lớn.
Khảo sát của VCCI cũng cho thấy, DN hiện tại biết đến chính sách HĐĐT thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau, trong đó, các diễn đàn trên mạng internet là kênh phổ biến nhất với 49% DN lựa chọn; tiếp sau là kênh báo chí, truyền hình với 44%. Các kênh thông tin do cơ quan thuế trực tiếp cung cấp như “thông qua cán bộ quản lý thuế” hay “khóa tập huấn của cơ quan thuế” được khoảng 40% DN lựa chọn. Đáng chú ý, có 36% DN biết đến HĐĐT qua mạng xã hội. Những kết quả này cho thấy, các hình thức truyền thông qua internet, mạng xã hội đang là kênh thông tin quan trọng của nhiều DN. Do vậy, ngoài việc triển khai các hình thức truyền thông qua kênh truyền thống, cơ quan thuế cần thử nghiệm các cách thức phổ biến thông tin qua các diễn đàn mạng hoặc mạng xã hội.
Trong số các đơn vị tham gia khảo sát, có 77% DN mong muốn dùng HĐĐT trong giao dịch và 70% trong số đó hiện đã sẵn sàng để triển khai. 23% số DN chưa muốn sử dụng HĐĐT vì nhiều lý do khác nhau, mà quan trọng nhất là DN “vẫn phải xuất trình các chứng từ giấy cho cơ quan nhà nước khác thực hiện kiểm tra” dù có HĐĐT (40% lượt lựa chọn). Bên cạnh đó, 32% DN cho biết chưa đủ hạ tầng kỹ thuật để thực hiện. Điều này là do áp dụng HĐĐT đòi hỏi DN phải có hạ tầng tương đối tốt về công nghệ thông tin mà không thể đáp ứng ngay lập tức. Bên cạnh đó, một số lý do khác khiến DN chưa mặn mà với HĐĐT là lo ngại gia tăng số tiền thuế phải nộp (24%), chưa đủ khả năng xử lý các sự cố phát sinh (23%), chi phí áp dụng cao hơn (23%); chưa đủ năng lực, trình độ sử dụng (20%).
Theo VCCI, ngoài lo lắng về sự chưa đồng bộ của các cơ quan quản lý nhà nước, hầu hết các lo ngại của DN đều liên quan đến năng lực sử dụng, vận hành và xử lý sự cố khi áp dụng HĐĐT. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật và tháo gỡ vướng mắc của cơ quan thuế để có giải pháp phù hợp, giải tỏa tâm lý và thúc đẩy các DN sử dụng HĐĐT trong thời gian tới.
Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ Tư vấn Blue để được tư vẫn miễn phí.