Trong một số trường hợp cụ thể, doanh nghiệp bị chấm dứt hiệu lực mã số thuế hay còn gọi là “đóng mã số thuế”. Vậy thì, doanh nghiệp khi bị đóng mã số thuế có được xuất hóa đơn không? Tư vấn Blue sẽ giải đáp thắc mắc này trong bài viết Khi bị đóng mã số thuế, doanh nghiệp có được xuất hóa đơn không
Căn cứ pháp lý:
– Thông tư 95/2016/TT-BTC.
– Thông tư 39/2014/TT-BTC.
– Thông tư 10/2014/TT-BTC.
Căn cứ theo quy định tại Điều 16 Thông tư 95/2016/TT-BTC, doanh nghiệp bị đóng mã số thuế trong những trường hợp dưới đây:
– Doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký (Chỉ doanh nghiệp vi phạm trường hợp này mới được khôi phục mã số thuế);
– Doanh nghiệp chấm dứt hoạt động hoặc giải thể, phá sản;
– Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
– Tổ chức lại doanh nghiệp (chia, tách, sáp nhập, hợp nhất).
Như vậy, doanh nghiệp khi bị đóng mã số thuế có được xuất hóa đơn không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 22 Thông tư 39/2014/TT-BTC:
“Điều 22. Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp
Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là việc sử dụng hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng.
Hóa đơn giả là hóa đơn được in hoặc khởi tạo theo mẫu hóa đơn đã được phát hành của tổ chức, cá nhân khác hoặc in, khởi tạo trùng số của cùng một ký hiệu hóa đơn.
Hóa đơn chưa có giá trị sử dụng là hóa đơn đã được tạo theo hướng dẫn tại Thông tư này, nhưng chưa hoàn thành việc thông báo phát hành.
Hóa đơn hết giá trị sử dụng là hóa đơn đã làm đủ thủ tục phát hành nhưng tổ chức, cá nhân phát hành thông báo không tiếp tục sử dụng nữa; các loại hóa đơn bị mất sau khi đã thông báo phát hành được tổ chức, cá nhân phát hành báo mất với cơ quan thuế quản lý trực tiếp; hóa đơn của các tổ chức, cá nhân đã ngừng sử dụng mã số thuế (còn gọi là đóng mã số thuế).”
Do đó, doanh nghiệp không được xuất hóa đơn khi bị đóng mã số thuế. Việc doanh nghiệp bị đóng mã số thuế mà vẫn xuất hóa đơn là việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Doanh nghiệp có hành vi xử lý hóa đơn bất hợp pháp sẽ bị xử lý như sau:
- Trường hợp doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp dẫn đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế thì bị xử lý về hành vi trốn thuế, gian lận thuế theo quy định tại Điều 13 Thông tư 166/2013/TT-BTC.
– Trường hợp doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp không dẫn đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế thì bị xử lý về hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp theo quy định tại Khoản 5 Điều 11 Thông tư 10/2014/TT-BTC.
Cụ thể, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu sử dụng hóa đơn bất hợp pháp (trừ hành vi vi phạm quy định về việc lập thông báo phát hành hóa đơn trước khi hóa đơn đưa vào sử dụng tại Khoản 2 Điều 10 Thông tư 10/2014/TT-BTC).
Đồng thời, doanh nghiệp có trách nhiệm hủy hóa đơn đã hết giá trị sử dụng theo quy định. Nếu doanh nghiệp có hành vi không hủy hoặc hủy không đúng quy định thì sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư 10/2014/TT-BTC.
Lưu ý: Doanh nghiệp là người mua khi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp cũng sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 (trừ hành vi vi phạm quy định về việc lập thông báo phát hành hóa đơn trước khi hóa đơn đưa vào sử dụng tại Khoản 2 Điều 10 Thông tư 10/2014/TT-BTC).
Ngoài ra, khi bị đóng mã só thuế, doanh nghiệp còn không được thực hiện những hoạt động như
– Không nộp được tờ khai thuế;
– Không nộp được báo cáo sử dụng hóa đơn;
– Không nộp được các loại thuế theo hình thức nộp qua mạng;…
Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ Tư vấn Blue để được tư vấn miễn phí