Kế toán hàng tồn kho trong doanh nghiệp vừa và nhỏ được xác định như thế nào? Mời quý vị và các bạn theo dõi bài viết sau của Tư vấn Blue
Nguyên tắc kế toán hàng tồn kho
Theo Thông tư số 133/2016/TT-BTC ngày 26/8/2016 của Bộ Tài chính (thay thế các nội dung áp dụng đối với DNNVV tại Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC ngày 14/9/2006 và Thông tư số 138/2011/TT-BTC ngày 4/10/2011 của Bộ Tài chính) thì hàng tồn kho của DNNVV là những tài sản được mua vào để sản xuất hoặc để bán trong kỳ sản xuất, kinh doanh (SXKD) bình thường, gồm: Hàng mua đang đi trên đường; Nguyên liệu, vật liệu; Công cụ, dụng cụ; Sản phẩm dở dang; Thành phẩm; Hàng hóa; Hàng gửi bán. Tuy nhiên, các loại sản phẩm, hàng hóa, vật tư, tài sản nhận giữ hộ, nhận ký gửi, nhận ủy thác xuất nhập khẩu, nhận gia công… không thuộc quyền sở hữu và kiểm soát của DN thì không được phản ánh là hàng tồn kho.
Nhóm tài khoản hàng tồn kho được dùng để phản ánh trị giá hiện có và tình hình biến động hàng tồn kho của DN (nếu thực hiện kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên) hoặc được dùng để phản ánh giá trị hàng tồn kho đầu kỳ và cuối kỳ kế toán của DN (nếu thực hiện kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ). Kế toán hàng tồn kho phải được thực hiện theo quy định của Chuẩn mực kế toán “Hàng tồn kho” khi xác định giá gốc hàng tồn kho, phương pháp tính giá trị hàng tồn kho, xác định giá trị thuần có thể thực hiện được, lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho và ghi nhận chi phí.
Các khoản thuế không được hoàn lại được tính vào giá trị hàng tồn kho như: Thuế GTGT đầu vào của hàng tồn kho không được khấu trừ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường phải nộp khi mua hàng tồn kho. Các khoản chiết khấu thương mại, giảm giá nhận được sau khi mua hàng tồn kho (kể cả khoản vi phạm hợp đồng kinh tế) phải được phân bổ cho số hàng tồn kho trong kho, hàng đã bán, đã sử dụng cho SXKD, xây dựng cơ bản để hạch toán cho phù hợp: Nếu hàng tồn kho còn tồn trong kho ghi giảm giá trị hàng tồn kho; Nếu hàng tồn kho đã bán thì ghi giảm giá vốn hàng bán; Nếu hàng tồn kho đã sử dụng cho hoạt động xây dựng cơ bản thì ghi giảm chi phí xây dựng cơ bản. Trong khi đó, khoản chiết khấu thanh toán khi mua hàng tồn kho được hạch toán vào doanh thu hoạt động tài chính.
Khi bán hàng tồn kho, giá gốc của hàng tồn kho đã bán được ghi nhận là chi phí SXKD trong kỳ phù hợp với doanh thu liên quan đến chúng được ghi nhận và phù hợp với bản chất giao dịch. Trường hợp xuất hàng tồn kho để khuyến mại, quảng cáo thì thực hiện theo nguyên tắc:
– Trường hợp xuất hàng tồn kho để khuyến mại, quảng cáo không thu tiền, không kèm theo các điều kiện khác như phải mua sản phẩm, hàng hóa… kế toán ghi nhận giá trị hàng tồn kho vào chi phí bán hàng (chi tiết hàng khuyến mại, quảng cáo).
– Trường hợp xuất hàng tồn kho để khuyến mại, quảng cáo nhưng khách hàng chỉ được nhận hàng khuyến mại, quảng cáo kèm theo các điều kiện khác như phải mua sản phẩm, hàng hóa (ví dụ như mua 2 sản phẩm được tặng 1 sản phẩm….) thì kế toán phải phân bổ số tiền thu được để tính doanh thu cho cả hàng khuyến mại, giá trị hàng khuyến mại được tính vào giá vốn (bản chất là giảm giá hàng bán).
– Trường hợp dùng hàng tồn kho biếu tặng cho người lao động được trang trải bằng quỹ khen thưởng, phúc lợi hoặc trả lương cho người lao động thì kế toán ghi nhận doanh thu, giá vốn như giao dịch bán hàng thông thường. Giá trị hàng tồn kho biếu tặng được ghi giảm quỹ khen thưởng, phúc lợi.
– Khoản chiết khấu thanh toán cho khách hàng khi bán hàng tồn kho hạch toán vào chi phí tài chính.
Phương pháp xác định giá trị hàng tồn kho xuất trong kỳ
Theo quy định hiện hành, khi xác định giá trị hàng tồn kho xuất trong kỳ, DN áp dụng theo một trong các phương pháp sau: Phương pháp tính theo giá đích danh; Phương pháp bình quân gia quyền; Phương pháp nhập trước, xuất trước (FIFO). Mỗi phương pháp tính giá trị hàng tồn kho đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Mức độ chính xác và độ tin cậy của mỗi phương pháp tùy thuộc vào yêu cầu quản lý, trình độ, năng lực nghiệp vụ và trình độ trang bị công cụ tính toán, phương tiện xử lý thông tin của DN cũng như tùy thuộc vào yêu cầu bảo quản, tính phức tạp về chủng loại, quy cách và sự biến động của vật tư, hàng hóa ở DN. Từ thực tế của DN, các nhà quản lý có thể lựa chọn một trong những phương pháp sau:
Một là, phương pháp tính theo giá đích danh: Phương pháp này được áp dụng dựa trên giá trị thực tế của từng lần nhập hàng hóa mua vào, từng thứ sản phẩm sản xuất ra nên chỉ áp dụng cho các DN có ít mặt hàng hoặc mặt hàng ổn định và nhận diện được chi tiết về giá nhập của từng lô hàng tồn kho.
Hai là, phương pháp bình quân gia quyền: Theo đó, giá trị của từng loại hàng tồn kho được tính theo giá trị trung bình của từng loại hàng tồn kho đầu kỳ và giá trị từng loại hàng tồn kho được mua hoặc sản xuất trong kỳ. Giá trị trung bình có thể được tính theo từng kỳ hoặc sau từng lô hàng nhập về, phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi DN.
Ba là, phương pháp nhập trước, xuất trước: Phương pháp này áp dụng dựa trên giả định là giá trị hàng tồn kho được mua hoặc được sản xuất trước thì được xuất trước và giá trị hàng tồn kho còn lại cuối kỳ là giá trị hàng tồn kho được mua hoặc sản xuất gần thời điểm cuối kỳ. Theo phương pháp này, giá trị hàng xuất kho được tính theo giá của lô hàng nhập kho ở thời điểm đầu kỳ hoặc gần đầu kỳ, giá trị của hàng tồn kho cuối kỳ được tính theo giá của hàng nhập kho ở thời điểm cuối kỳ hoặc gần cuối kỳ còn tồn kho.
Đối với hàng tồn kho mua vào bằng ngoại tệ, giá mua hàng tồn kho phải căn cứ vào tỷ giá giao dịch thực tế phát sinh để ghi nhận. Trường hợp DN ứng trước tiền cho người bán thì phần giá trị hàng tồn kho tương ứng với số tiền ứng trước được ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ứng trước, phần giá trị hàng tồn kho tương ứng với số tiền còn lại được ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ghi nhận hàng tồn kho. Đồng thời, kế toán hàng tồn kho liên quan đến các giao dịch bằng ngoại tệ và xử lý chênh lệch tỷ giá được thực hiện theo quy định tại Điều 52 Thông tư số 133/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Đến cuối niên độ kế toán, nếu xét thấy giá trị hàng tồn kho không thu hồi đủ do bị hư hỏng, lỗi thời, giá bán bị giảm hoặc chi phí hoàn thiện, chi phí bán hàng tăng lên thì phải ghi giảm giá gốc hàng tồn kho cho bằng giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho. Việc ghi giảm giá gốc hàng tồn kho cho bằng giá trị thuần có thể được thực hiện bằng cách lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Khoản tổn thất hoặc thiệt hại về hàng tồn kho do hư hỏng, lỗi thời không có khả năng thu hồi được sau khi trừ số dự phòng giảm giá hàng tồn kho đã trích lập (nếu có) được ghi vào giá vốn hàng bán trong kỳ.
Tất cả các khoản chênh lệch giữa khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập ở cuối kỳ kế toán này lớn hơn khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho đã lập ở cuối kỳ kế toán trước, các khoản hao hụt, mất mát của hàng tồn kho, sau khi đã trừ (-) phần bồi thường do trách nhiệm cá nhân gây ra và chi phí sản xuất chung không phân bổ được ghi nhận vào giá vốn hàng bán trong kỳ. Trường hợp khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho được lập ở cuối kỳ kế toán này nhỏ hơn khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho đã lập ở cuối kỳ kế toán trước thì số chênh lệch nhỏ hơn phải được hoàn nhập ghi giảm giá vốn hàng bán trong kỳ.
Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ Tư vấn Blue để được tư vẫn miễn phí.