T5, 12 / 2019 8:02 chiều | hanhvinhlong

Năm 2019, các doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký đầu tư ra nước ngoài trên 508 triệu USD. Trong đó, riêng đăng ký đầu tư sang Australia là 154,6 triệu USD. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2019, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 508,14 triệu USD.

Hình minh họa

Trong đó, vốn đầu tư đăng ký mới của 164 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới là 403,15 triệu USD. Bên cạnh đó, còn có 29 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với vốn đầu tư Việt Nam tăng thêm gần 105 triệu USD.

Theo lĩnh vực, thì bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm 121,6 triệu USD, chiếm 23,9% tổng vốn đầu tư.

Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đứng thứ hai, với 86,1 triệu USD, chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực hoạt động chuyên môn khoa học – công nghệ đứng thứ ba, với 70,1 triệu USD, chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư.

Nếu tính theo địa bàn, có một điểm khá mới, đó là thay vì các thị trường truyền thống như Lào, Campuchia, các doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực tìm kiếm và đầu tư vào các thị trường mới.

Chẳng hạn, thị trường Australia. Năm nay, trong số 32 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, thì Australia là thị trường đứng đầu, với 154,6 triệu USD, chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam.

Có mức đầu tư lớn này sang Australia là nhờ khoản vốn đầu tư trị giá trên 80 triệu USD của Tập đoàn TH.

Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH đã đăng ký đầu tư Dự án chăn thả đàn bò tự nhiên, trang trại chăn nuôi, trồng bông, hướng dương, ngô tươi sạch, du lịch trang trại, với vốn đầu tư 46,5 triệu USD tại Australia.

Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Sữa Đà Lạt, cũng thuộc sở hữu của Tập đoàn TH, cũng đã đăng ký đầu tư Dự án Chăn thả tự nhiên đàn bò, tăng cường năng lực trang trại theo hướng đầu tư hiệu quả, gia tăng lợi nhuận; trồng và chế biến nước ép xoài, tinh dầu từ gỗ đàn hương có chất lượng cao trị giá 42 triệu USD tại Australia.

Như vậy, hai dự án của Tập đoàn TH có tổng vốn đầu tư 88,5 triệu USD.

Ngoài hai dự án của TH, thì còn có Dự án đầu tư, xây dựng nhà để bán và cho thuê thương mại trị giá 38 triệu USD của Công ty cổ phần Đầu tư IMG và Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển ADPG, cũng được đăng ký đầu tư tại Australia.

Sau Australia, là Hoa Kỳ, với 26 dự án, tổng vốn đầu tư 93,4 triệu USD, chiếm 18,4% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Campuchia, Tây Ban Nha, Singapore, Canada..

Bên cạnh những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội cho Việt Nam, cho các quốc gia và cộng đồng tiếp nhận đầu tư, thì đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Cụ thể:

Một là, những khác biệt về văn hóa, pháp luật, môi trường giữa Việt Nam và các quốc gia tiếp nhận đầu tư này đã dẫn đến các tranh chấp ngoài mong muốn, ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án, quyền và lợi ích của người dân địa phương cũng như hình ảnh của nhà đầu tư Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Thực tế cho thấy, DN Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài thường mang theo tư duy, cách nghĩ của người Việt Nam. Chẳng hạn như: Về đất đai, nếu DN đầu tư ở Việt Nam sẽ được Nhà nước hỗ trợ thu hồi đất, nhưng sang đầu tư Campuchia chế độ sở hữu đất đai sẽ khác, dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài gặp không ít khó khăn.

Hai là, nhiều DN Việt Nam ra nước ngoài kinh doanh nhưng hoạt động còn mang tính tự phát, do đó rất dễ xảy ra tranh chấp. Khi đó, việc xử lý tranh chấp rất khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Trong khi, về mặt quản lý nhà nước, hiện chưa có cơ quan đủ thẩm quyền, điều kiện và năng lực triển khai quản lý, theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của tất cả các DN Việt Nam đang hoạt động tại nước ngoài.

Ba là, người dân một số vùng còn hạn chế về trình độ, khó tiếp xúc bằng văn bản, nên thay vì quản lý bằng văn bản, DN đều phải thể hiện dưới dạng hình ảnh các chương trình tuyển dụng, đào tạo, chế độ bảo hiểm… để người dân dễ hiểu, dễ nhớ. Tuy nhiên, điều này khiến DN mất thêm thời gian, chi phí tài chính.

Bốn là, tiềm lực tài chính cũng là yếu tố cản trở cơ hội đầu tư ra nước ngoài của nhiều DN. Chẳng hạn: Trong lĩnh vực nông nghiệp, DN cần chuẩn bị tiềm lực tài chính có như vậy mới có thể đảm bảo tiềm lực duy trì được các hoạt động của mình.

Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ Tư vấn Blue để được tư vẫn miễn phí.

Bài viết cùng chuyên mục