T5, 07 / 2020 8:45 chiều | hanhvinhlong

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 7-2020 tăng mạnh so với các tháng trước, chỉ thấp thua tháng 4-2020 và cao hơn cùng kỳ năm 2019.

Tình hình vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tháng 7

Đáng nói hơn nữa, quy mô các dự án đầu tư đăng ký mới, điều chỉnh tăng thêm cũng như quy mô góp vốn mua cổ phần đều tăng lên đáng kể, đạt 5,1 triệu USD/dự án mới; 10,7 triệu USD/lượt điều chỉnh vốn và 3,4 triệu USD/lượt góp vốn mua cổ phần.

Số liệu nêu trên vừa được Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố.

Vẫn theo nguồn tin trên, trong tháng 7 năm 2020, cả nước đã thu hút được 3,15 tỷ USD vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tăng 79,8% so với cùng kỳ năm 2019, tăng 76,2% so với tháng 6-2020 và chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư thu hút được trong 7 tháng.

Trong đó, có 202 dự án đăng ký mới với tổng vốn là 1,02 tỷ USD, chiếm 32,6% tổng vốn đầu tư trong tháng, tăng 2,8% so với tháng 6-2020 và tăng tới 19,1% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý là trong tháng này có nhiều dự án sản xuất có quy mô lớn, từ 100 – 150 triệu USD.

Cùng kỳ, có 93 lượt dự án điều chỉnh với tổng vốn tăng thêm đạt gần 992,2 triệu USD, chiếm 31,5% tổng vốn đầu tư trong tháng và tăng hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2019. Đây là tháng đánh dấu sự gia tăng trở lại của vốn đầu tư điều chỉnh sau khi giảm thấp nhất trong tháng 6-2020, cụ thể là tăng gần gấp 3,7 lần.

Góp vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 334 lượt dự án, với tổng giá trị vốn góp đạt gần 1,13 tỷ USD, là mức cao nhất trong 7 tháng năm 2020, chiếm 35,9% tổng vốn đầu tư trong tháng, gấp gần 2,2 lần so với tháng 6-2020, tăng gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, tính chung cả 7 tháng năm 2020, tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần vẫn chỉ đạt 18,82 tỷ USD, bằng 93,1% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện ước đạt 10,12 tỷ USD, bằng 95,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong số các dự án đăng ký mới quy mô lớn có Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD (chiếm tới 42,3% tổng vốn đăng ký mới). Dự án lớn này đã đẩy quy mô dự án bình quân trong 7 tháng đầu năm tăng hơn so với cùng kỳ năm 2019, từ 4,3 triệu USD năm 2019 lên 5,8 triệu USD trong năm 2020.

Theo góc nhìn của các chuyên gia Hàn Quốc và Nhật Bản, Việt Nam có nhiều đối thủ cạnh tranh khốc liệt trong cuộc đua thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Các nước Đông Nam Á đang có cuộc cạnh tranh khốc liệt về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt khi làn sóng đa dạng hóa chuỗi cung ứng sau dịch Covid-19 đang gia tăng mạnh.

Việt Nam nổi lên là một trong những quốc gia thu hút nhiều vốn FDI nhất tại Đông Nam Á với kinh tế phát triển nhanh, chính trị ổn định, dân số trẻ và chi phí nhân công cạnh tranh.

Tuy nhiên, nhiều nước Đông Nam Á khác cũng tăng tốc quyết liệt để thu hút dòng vốn FDI đang dịch chuyển, trong đó có Indonesia, Philippines, Thái Lan và Malaysia.

Sau khi nhiều tập đoàn đa quốc gia quyết định đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Đông Nam Á được coi là điểm đến hấp dẫn. Các nước đều nhận thức điều này nên rất nỗ lực để thu hút đầu tư.

Indonesia là một trong những nước đang có động thái mạnh mẽ nhất nhằm tiếp cận dòng vốn FDI dịch chuyển. Hồi tháng 5, Tổng thống Joko Widodo đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm lôi kéo các doanh nghiệp Mỹ chuyển dây chuyền sang quốc gia vạn đảo.

Indonesia cũng đưa ra các ưu đãi lớn, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng. Nước này đã lên kế hoạch xây dựng 27 khu công nghiệp mới, trong đó có dự án chuẩn bị 5.000 ha đất tại tỉnh Trung Java, mời gọi cho các doanh nghiệp nước ngoài. Chính phủ Indonesia cũng đặt mục tiêu giảm dần thuế thu nhập doanh nghiệp về mức 20% vào năm 2023.
Trong khi đó Thái Lan lại tính chọn những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao để thu hút đầu tư như hàng không vũ trụ, thiết bị y tế, ôtô điện, hoặc các loại phụ tùng và linh kiện chất lượng cao…

Philippines thì chọn cách giảm thuế. Nước này nhanh chóng cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (hiện cao nhất Đông Nam Á với mức 30%) xuống còn 25% ngay trong tháng 7.

Chính phủ Malaysia thậm chí lên kế hoạch cử đại diện đi vận động khoảng 60 công ty đa quốc gia mở nhà máy tại Malaysia. Nước này thông qua gói hỗ trợ 240 triệu USD trong 5 năm, trong đó chú trọng giảm thuế và hỗ trợ tài chính.

Bài viết cùng chuyên mục