T6, 12 / 2019 11:00 sáng | hanhvinhlong

Tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn ra ngày càng phổ biến, tuy nhiên các cơ quan chức năng vẫn chưa thể có biện pháp xử lý triệt để hiện tượng này. Vậy, nguyên nhân nằm ở đâu?

Hình minh họa

Theo thông tin từ Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm (ĐTTP) về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công An, hiện nay, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) diễn ra ngày một nhiều.

Trong báo cáo được đưa ra hồi cuối tháng 11/2019, đại diện Tổng cục QLTT cho biết, trong năm vừa qua, cơ quan này kiểm tra 141.000 vụ; phát hiện, xử lý 82.300 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước 430 tỷ đồng. Trong đó, giá trị hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỷ, chuyển hồ sơ 107 vụ cho cơ quan công an trong đó 26 vụ việc đã khởi tố, 29 vụ việc không khởi tố và 54 vụ việc đang điều tra, xử lý.

Riêng đối với hàng giả, xâm phạm quyền SHTT 10/2019 kiểm tra, xử lý 6.597 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 19 tỷ đồng. Trong đó, các ngành hàng may mặc như quần áo, túi xách,… đứng đầu danh sách vi phạm SHTT, ngoài ra là các sản phẩm như đồ điện tử, điện thoại.

Cũng theo thống kê của các cơ quan chức năng, số lượng các vụ vi phạm SHTT bị truy cứu trách nhiệm hình sự còn rất ít dẫn đến tình trạng khung hình phạt chưa đủ sức răn đe khiến tình trạng này diễn ra ngày càng nhiều.

Cục Cảnh sát ĐTTP về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công An cho biết, nguyên nhân của tình trạng trên là do việc xử lý hình sự đối với các vụ việc xâm phạm SHTT gặp nhiều vướng mắc như: có luật điều chỉnh nhưng không có văn bản hướng dẫn, giám định sản phẩm, các lực lượng phối hợp thiếu đồng bộ…
Cụ thể, đại diện Cục Cảnh sát ĐTTP về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu lấy ví dụ: Tại điều 226 BLHS năm 2015 sửa đổi 2017 có quy định về các tình tiết như “quy mô thương mại”, “gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý” nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thế nào là “quy mô thương mại” và “tiêu chí, cách thức đánh giá, xác định mức thiệt hại gây ra cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý.

Ngoài ra, đại diện Cục Cảnh sát ĐTTP về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thông tin thêm, Điều 226 BLHS có quy định về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý). Tuy nhiên, tại Điều 12, Nghị định 99/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp cũng quy định về đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý.

Theo đó, mức xử phạt cao nhất cho hành vi này là phạt tiền không quá 250 triệu đồng đối với giá trị hàng hóa vi phạm trên 300 triệu đồng. Việc không có quy định mức trị giá hàng hóa tối đa để xử lý hình sự nên dù trị giá hàng hóa vi phạm có thể lên đến hàng tỷ đồng hoặc nhiều hơn cơ quan chức năng vẫn có thể xử lý hành chính.

Bên cạnh đó, về công tác giám định cũng nhiều bất cập, hiện nay, chỉ có Viện Khoa học SHTT là cơ quan giám định cao nhất, duy nhất về SHTT. Tuy nhiên, để có căn cứ xử lý hình sự thì Cơ quan điều tra không thể dùng kết quả giám định của Viện Khoa học SHTT làm chứng cứ mà phải trưng cầu Cơ quan giám định tư pháp là Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an.

“Nhiều doanh nghiệp còn tư tưởng muốn đánh cắp “tư duy, thành quả” SHTT. Thực tế đấu tranh với các loại tội phạm này nhiều trường hợp cơ quan điều tra không tìm được chủ sở hữu của đối tượng bị xâm hại (chủ thể quyền), trong khi đó theo quy định của luật có những tội danh bắt buộc phải khởi tố và chỉ khởi tố theo yêu cầu của bị hại (khoản 1, điều 155 Bộ luật TTHS)”, Cục Cảnh sát ĐTTP về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu nhận định.

Do đó, vị đại diện đề nghị để có thể xử lý triệt để những trường hợp vi phạm về sở hữu trí tuệ, các Bộ, ngành và cần phải tăng cường phối hợp để đưa ra được các văn bản quy phạm pháp luật chặt chẽ thống nhất, tránh trường hợp nội dung quy định mâu thuẫn, chồng chéo lẫn nhau.

Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ Tư vấn Blue để được tư vẫn miễn phí.

Bài viết cùng chuyên mục