Tại hội nghị triển khai kế hoạch hoạt động năm 2020 của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), nội dung quan trọng được nhắc tới là đẩy mạnh công tác đối ngoại, công tác bản quyền âm nhạc ở lĩnh vực quốc tế.
Chia sẻ tại hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2020 diễn ra ngày 14/1, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân cho biết, hiện nay, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã ký thỏa thuận ủy quyền song phương, hợp đồng hợp tác với 76 tổ chức quản lý tập thể quyền (CMOs) và nhà xuất bản (Publishers) với phạm vi áp dụng tại 116 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Các thỏa thuận này đảm bảo thực hiện theo pháp luật Việt Nam và Công ước Berne, tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí của CISAC (Liên minh quốc tế các Hiệp hội tác giả và nhà soạn nhạc). Việc mở rộng quan hệ với các tổ chức bảo vệ quyền tác giả là rất quan trọng, cần thiết trong việc đưa vị thế Trung tâm ngang tầm quốc gia trên thế giới có lịch sử lâu dài về bản quyền.
Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, việc đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế sẽ ngày càng khẳng định vị thế Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế liên quan đến thực thi bảo hộ pháp luật bản quyền tác giả.
Nâng cao công tác bảo vệ bản quyền âm nhạc ở lĩnh vực quốc tế
Năm 2019, Cục bản quyền tác giả đã tham gia nhiều sự kiện quốc tế về sở hữu trí tuệ thế giới tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc… Một số quốc gia khác khi muốn phát triển về hệ thống các tổ chức đại diện tập thể đã tìm đến Việt Nam học tập kinh nghiệm tại Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, đó là tín hiệu rất đáng mừng trong các hoạt động hợp tác quốc tế về bản quyền.
Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2019, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã thu được tổng số tiền trên 133,5 tỷ đồng tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc ở các lĩnh vực biểu diễn, khách sạn, resort, cao ốc văn phòng, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, sao chép phát hành trực tuyến (Youtube), website, ứng dụng nhạc; mạng xã hội như Youtube, Facebook… Trong đó, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã thực hiện 4 kỳ phân phối, chi trả đến các chủ sở hữu quyền tác giả liên quan 68 tỷ đồng. Dự kiến từ nay đến trước Tết Nguyên đán, Trung tâm sẽ tiếp tục chi trả thêm 30 tỷ đồng đến các chủ sở hữu quyền tác giả.
Báo cáo của VCPMC tại hội nghị cũng cho hay trung tâm đang gặp phải rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động cấp phép ở cả lĩnh vực nhạc sống và nhạc nền.
Cụ thể trong lĩnh vực, loại hình kinh doanh dịch vụ có sử dụng nhạc nền (sử dụng tác phẩm âm nhạc thông qua bản ghi âm, ghi hình, các phương tiện truyền tải… tại các địa điểm kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, quán bar, cà phê, siêu thị, cửa hàng…), nhiều đơn vị sử dụng đến nay vẫn né tránh, chưa tự nguyện, tự giác thực hiện.
Đối với lĩnh vực “midi karaoke” (giao diện số hóa nhạc cụ karaoke), một số doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực này gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm (do công nghệ thay đổi) nên xảy ra tình trạng hợp đồng bị chậm thanh toán, nợ đọng hoặc phải thanh lý sản phẩm trước thời hạn. Nhiều vụ việc đã phải đưa ra giải quyết tranh chấp tại tòa và thông qua các phiên hòa giải để giải quyết tranh chấp hợp đồng về chậm thanh toán.
Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ Tư vấn Blue để được tư vẫn miễn phí.