T2, 12 / 2019 8:59 chiều | hanhvinhlong

“Doanh nghiệp sẽ có sân chơi lớn, môi trường thuận lợi để thỏa sức sáng tạo, để thực hiện khát vọng Việt Nam hùng cường”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cam kết với các thế hệ doanh nhân Sao Đỏ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận lời đề nghị “sẽ gặp doanh nhân trẻ mỗi năm một lần” của Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ Nguyễn Cảnh Hồng trong cuộc gặp với các thế hệ doanh nhân Sao Đỏ ngay trước giờ Lễ trao Giải thưởng Sao Đỏ – Doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019.

“Thủ tướng Chính phủ sẽ gặp để nghe những người lãnh đạo doanh nghiệp, các chủ doanh nghiệp góp ý, hiến kế. Doanh nhân trẻ có nhiều kiến nghị, các dự án lớn, ý tưởng lớn… cần thảo luận kỹ, có nghiên cứu, đề xuất chính sách. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ lắng nghe để tạo sân chơi lớn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói trong tiếng vỗ tay đầy hào hứng của đại diện các thế hệ doanh nhân Sao Đỏ, đại diện cộng đồng doanh nhân trẻ.

Trước đó, hàng loạt ý tưởng từ các doanh nhân Sao Đỏ đã được kiến nghị lên Thủ tướng. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT đã nói về dự án tầm quốc gia, như trục đường sắt cao tốc Bắc – Nam để thúc đẩy sự phát triển của các vùng kinh tế dọc chiều dài đất nước. Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC nói đến nền tảng của kinh tế số, của thành phố thông minh. Tân Sao Đỏ 2019 Tiêu Yến Trinh, Sáng lập Talennet gửi gắm trăn trở về giai đoạn lao động vàng của Việt Nam, nếu không có chiến lược phát triển, sẽ bị bỏ lỡ…

“Các doanh nghiệp Việt Nam hiện có ý chí, có tiềm lực, có công nghệ… Giờ doanh nghiệp cần sân chơi lớn, cần môi trường để có thể làm nên kỳ tích Việt Nam, như Hàn Quốc làm nên kỳ tích sông Hàn… Dự án lớn sẽ có tổng lực doanh nghiệp tham gia. Chúng tôi cam kết với Chính phủ”, ông Bình gửi gắm nhiệt huyết của cả cộng đồng doanh nhân trẻ nói riêng, doanh nghiệp Việt Nam nói chung tới người đứng đầu Chính phủ.

Doanh nghiệp sẵn sàng cùng làm lớn

Các kiến nghị được gửi tới Thủ tướng Chính phủ đã được bàn bạc rất lâu, đã có những kế hoạch khá cụ thể.

Ngay trước cuộc gặp trên, Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ đã có một tọa đàm lớn bàn về khát vọng trường tồn của doanh nghiệp giữa các thế hệ doanh nhân Sao Đỏ. Câu hỏi tưởng như không thể có câu trả lời phủ định là “Doanh nghiệp có muốn phát triển bền vững không?” đã được mổ xẻ rất kỹ.

Nếu có 1.000 doanh nghiệp như FPT, CMC…, thì đất nước sẽ giàu. Không có doanh nghiệp lớn, không có thương hiệu lớn, thì không thể khai thác hết thị trường lớn được… Chính phủ sẽ tạo điều kiện để doanh nhân Việt phát huy trí tuệ, tài năng, khát vọng…

Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Công ty Detoitte Việt Nam trong vai điều hành phiên thảo luận “Phát triển bền vững – góc nhìn về tư duy chiến lược và quản trị minh bạch giữa các doanh nhân Sao Đỏ” rút được điểm chung nhất.

“Thời điểm này, các doanh nghiệp đều đã thấy cần một chiến lược cùng thắng, tôi thắng, anh thắng và thị trường cũng thắng. Đây chính là điều kiện để doanh nghiệp phát triển bền vững, cơ sở cho việc thực hiện các ý tưởng về đại dự án”, bà Thanh chia sẻ.

Tất nhiên, chiến lược cùng thắng này sẽ không thực hiện được nếu chỉ bắt nguồn từ mong muốn của doanh nghiệp. Ông Lê Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Động lực đã thẳng thắn, nếu hàng giả, hàng nhái và buôn lậu còn, thì doanh nghiệp thực sự rất khó cạnh tranh. “Tôi muốn gửi ý kiến này tới Chính phủ. Doanh nghiệp cần thị trường minh bạch, kỷ luật”, ông Thành nói.

Đây không phải là nỗi lo của riêng cá nhân doanh nhân nào. Trong Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 02/2019/NQ-CP về Nghị quyết 35/2016/NQ-CP mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố, yêu cầu của ông Thành thực sự còn quá xa với thực tế.

Không thể bỏ qua kết quả có xu hướng đi xuống của khả năng dự đoán thay đổi về nội dung chính sách với các quy định pháp luật của Trung ương qua điều tra PCI của VCCI.

Tỷ lệ doanh nghiệp dự đoán được giảm từ 16% năm 2014 xuống còn 5% năm 2018. Tỷ lệ không bao giờ hoặc hiếm khi dự đoán được lại tăng từ mức 42% trong năm 2014 lên mức 67% trong năm 2018. Không chỉ vậy, tỷ lệ doanh nghiệp không dự đoán được việc thực thi pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước cũng đã tăng từ 61 lên 67%.

“Sự suy giảm khả năng dự đoán chính sách là xu hướng nhất quán trong 5 năm qua. Đây là thực tế đáng quan ngại về môi trường đầu tư – kinh doanh tại Việt Nam. Đó là chưa kể những nỗi lo đằng sau việc thực thi còn tùy tiện của một số công chức, khiến rủi ro trong kinh doanh rất lớn”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) phân tích.

Tuy nhiên, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch PNJ có quan điểm rất rõ rằng, không thể chờ thị trường minh bạch rồi doanh nghiệp mới minh bạch, mới chọn phát triển bền vững. “Bất cứ nền kinh tế chuyển đổi nào cũng sẽ có những giai đoạn mà cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện, việc thực thi chính sách và quy định còn có khoảng cách, nhưng là doanh nghiệp phải chọn minh bạch để hoạt động”, bà Dung nói.

Theo quy luật, khi doanh nghiệp chọn minh bạch để làm lớn, họ sẽ đòi hỏi cơ chế, chính sách và các cơ quan thực thi vận hành theo xu hướng minh bạch. Nhưng rõ ràng, doanh nghiệp đang chờ đợi nhiều hơn những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh thực sự từ Chính phủ.

Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ Tư vấn Blue để được tư vẫn miễn phí.

Bài viết cùng chuyên mục