Bên cạnh các vấn đề về vận hành, các loại giấy phép, thủ tục kinh doanh quán cà phê cũng là vấn đề không ít chủ quán băn khoăn trước khi mở quán cafe. Đăng kí giấy phép kinh doanh quán cafe có cần thiết hay không, có thì cần bao nhiêu loại giấy tờ, nên bắt đầu từ đâu, làm thế nào để không vi phạm pháp luật khi từ một người tay ngang bắt đầu kinh doanh… là câu hỏi không phải ai cũng có thể hiểu rõ. Tư vấn Blue sẽ hướng dẫn thủ tục đăng kí giấy phép kinh doanh cho quán cà phê nhỏ cho bạn.
Đăng ký giấy phép kinh doanh trong trường hợp nào
Đa phần những người kinh doanh quán cà phê, chỉ quan niệm đơn giản, kinh doanh quán cà phê cũng chỉ như mở hàng nước, hàng tạp hóa, những hộ gia đình nhỏ lẻ không nhất thiết phải có giấy tờ đăng kí kinh doanh. Họ cho rằng, chỉ những cửa hàng cà phê lớn, chuỗi cà phê đồ sộ, việc đăng kí kinh doanh mới quan trọng. Tuy nhiên, đây là một suy nghĩ sai lầm và có thể ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh của bạn
Theo quy định của Nhà nước hiện hành, việc kinh doanh không cần đăng kí giấy phép chỉ áp dụng trong các trường hợp dưới đây:
- Buôn bán rong (buôn bán dạo) (mua bán không có địa điểm cố định, gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh sản phẩm này theo quy định để bán rong)
- Buôn bán vặt (buôn bán vật dụng nhỏ lẻ, có hoặc không có địa điểm cố định)
- Buôn bán quà vặt (sản phẩm là quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước), có hoặc không có địa điểm cố định
- Buôn chuyến (mua hàng từ nơi này đến nơi khác, theo chuyến, bán cho người mua, người bán nhỏ lẻ)
- Các dịch vụ nhỏ lẻ: đánh giày, bán vé số, sửa chữa xe, trông xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khách có hoặc không có địa điểm cố định
- Các hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng kí kinh doanh khác
- Hoạt động kinh doanh quán cà phê không nằm trong bất cứ trường hợp nào trong này do có địa điểm cụ thể và thuê nhân công hoạt động kinh doanh, vì vậy, đăng kí giấy phép kinh doanh cho quán cà phê là một điều bắt buộc.
Phân loại các mô hình kinh doanh quán cà phê
Trước khi bắt tay vào tìm hiểu về quy trình đăng kí kinh doanh, hãy xác định lại xem bạn đang có định hướng xây dựng quán cà phê theo loại hình kinh doanh nào. Hiện nay ở Việt Nam có ba loại hình kinh doanh:
- Cá nhân kinh doanh: Hoạt động kinh doanh rất nhỏ
- Hộ kinh doanh cá thể: Hoạt động kinh doanh trung bình hoặc nhỏ, sử dụng thường xuyên dưới 10 lao động và có đăng kí một địa điểm nhất định
- Doanh nghiệp: Hoạt động kinh doanh trung bình hoặc lớn
Với mỗi loại hình, thủ tục đăng kí kinh doanh cần thực hiện lại có điểm khác nhau. Có thể thấy, đa số các quán cà phê không theo chuỗi hiện nay đều là các Hộ kinh doanh cá thể, hoạt động tại một địa điểm nhất định, trong khi các chuỗi cà phê lớn đều là các Doanh nghiệp kinh doanh.
Trong khuôn khổ bài viết này, Tư vấn Blue tập trung hướng dẫn về quy trình đăng kí cho Hộ kinh doanh cá thể – nhóm hoạt động kinh doanh cà phê đông đảo nhất hiện nay.
Quy trình Đăng kí kinh doanh cho Hộ kinh doanh cá thể
Quy trình đăng kí kinh doanh đối với Hộ kinh doanh cá thể hoạt động quán cà phê có thể đi theo ba bước
Bước 1: Gửi Giấy đề nghị đăng kí hộ kinh doanh đến Phòng Tài chính của quận/huyện khu vực và nộp lệ phí đăng kí
Giấy đề nghị này gồm các thông tin cơ bản như: Thông tin cá nhân chủ hộ, Thông tin hộ kinh doanh, Ngành nghề, Vốn đầu tư…
Nộp kèm Giấy đề nghị này, chủ đầu tư cần nộp thêm Bản sao công chứng: Chứng minh thư/Căn cước công dân hay Hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện
Bước 2: Chờ đợi cơ quan đăng kí xét duyệt hồ sơ
Thông thường, trong trường hợp Hồ sơ đăng kí kinh doanh đã hoàn thiện và không cần bổ sung gì, thời gian xét duyệt này chỉ khoảng 5-7 ngày ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Các hồ sơ cần bổ sung sẽ mất thời gian hơn do các vấn đề phát sinh.
Bước 3: Nhận Giấy chứng nhận đăng kí hộ kinh doanh hoặc bổ sung, sửa đổi thông tin cần thiết
Trong vòng ba ngày từ ngày nộp Hồ sơ đăng kí kinh doanh, các chủ đầu tư cần bổ sung, sửa đổi các thông tin cần thiết theo hướng dẫn của bên tiếp nhận. Trong trường hợp không cần sửa đổi, bạn có thể nhận Giấy chứng nhận đăng kí hộ kinh doanh và hoàn thiện quá trình đăng kí kinh doanh của mình.
Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm
Đặc thù kinh doanh ngành F&B, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là một hạng mục cần quan tâm. Nếu không để ý xin đủ giấy phép, hoạt động kinh doanh của các nhà hàng, quán cà phê có thể chấm dứt bất cứ lúc nào.
Theo pháp luật hiện nay, chỉ có những trường hợp dưới đây không phải xin giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;
- Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;
- Sơ chế nhỏ lẻ;
- Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;
- Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;
- Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;
- Nhà hàng trong khách sạn;
- Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;
- Kinh doanh thức ăn đường phố;
- Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận tiêu chuẩn vệ sinh khác
- Quán cà phê không nằm trong số các trường hợp này, bởi vậy, xin giấy Chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm là một điều bắt buộc.
Hồ sơ xin giấy Chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm cần chuẩn bị: Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, Bản sao Đăng kí kinh doanh, Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, công cụ dụng cụ an toàn vệ sinh.
Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ Tư vấn Blue để được tư vẫn miễn phí.