Tính đến ngày 20/5/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 13,9 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam được xem là đất lành cho dòng vốn FDI chất lượng cao từ xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc và sau đại dịch Covid-19.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng vốn FDI vào Việt Nam tính đến ngày 20/5/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 13,9 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó có 1.212 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 7,4 tỷ USD, giảm 11,1% về số dự án và tăng 15,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 436 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 3,5 tỷ USD, tăng 31,4%; có 3.528 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn gần 3 tỷ USD, giảm 60,9%.
Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 715 lượt góp vốn làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 1,2 tỷ USD và 2.813 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,8 tỷ USD.
Trong 5 tháng đầu năm, vốn FDI thực hiện ước tính đạt 6,7 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong 5 tháng đầu năm, ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 4 tỷ USD, chiếm 53,8% tổng số vốn đăng ký cấp mới; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2,8 tỷ USD, chiếm 37%, các ngành còn lại đạt 685,3 triệu USD, chiếm 9,2%…
Tuy tổng vốn đầu tư nước ngoài trong 5 tháng đầu năm có xu hướng giảm, song Việt Nam được xem là đất lành cho dòng vốn FDI chất lượng cao từ xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc và sau đại dịch Covid-19.
Chuyên gia IMF cho biết, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế lớn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hạn chế việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Việt Nam trở thành một trong những ứng cử viên sáng giá đón dòng vốn dịch chuyển này nhờ thành công trong ngăn chặn dịch bệnh.
Tuy khá thận trọng, nhưng GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng cho rằng, nhìn một cách khách quan, sự dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc sẽ không ồ ạt, bởi đây vẫn là thị trường rất lớn, nhưng chỉ dịch chuyển 3-5% thôi cũng đủ để chúng ta tiếp nhận. Chuyên gia này đồng thuận với ý kiến cho rằng, Việt Nam đang có cơ hội thực sự để đón luồng vốn đầu tư dịch chuyển khỏi Trung Quốc, nhưng là một luồng vốn khác, chứ không phải chỉ là sự gia tăng bình thường như trước đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, GS, TSKH. Nguyễn Mại cũng cảnh báo, cơ hội này không chỉ dành riêng cho Việt Nam, mà rất nhiều nước muốn, đặc biệt là hai “ông lớn” đang muốn cạnh tranh thu hút FDI với Việt Nam là Ấn Độ và Indonesia. Thực tế cho thấy, Ấn Độ tuyên bố sẽ tiếp nhận 1.000 nhà máy lớn, đã sẵn sàng đất đai và chuẩn bị mọi thứ cho điều này. So với Việt Nam, Ấn Độ có trình độ công nghệ thông tin cao hơn nhiều, cạnh tranh được với cả Mỹ, Trung Quốc. Số lượng kỹ sư, người lao động được đào tạo hàng năm thuộc diện cao nhất thế giới. Đồng thời, hiện chi phí cho nhân công ở Ấn Độ cũng rẻ hơn ở Việt Nam.
Trong khi đó, Indonesia là quốc gia mạnh nhất trong ASEAN, có dân số gần 300 triệu người, gấp 3 lần Việt Nam. Chính phủ Indonesia rất quan tâm đến thu hút đầu tư nước ngoài, thậm chí trực tiếp phê duyệt các dự án chỉ 70-80 triệu USD, có 300 công nhân. Indonesia cũng tuyên bố sẵn sàng một khu công nghệ 4.000 ha để đón nhận các dự án công nghệ cao dịch chuyển khỏi Trung Quốc.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng có những lợi thế nhất định để sẵn sàng đón sự dịch chuyển của dòng vốn ngoại. Nền kinh tế Việt Nam có kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, tăng trưởng cao, tiền tệ ổn định, nhân lực dồi dào… Sau Covid-19, Việt Nam đang nổi lên là một nước thành công trong ngăn chặn, dập dịch và trở thành điểm đầu tư an tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quyết định lập Tổ công tác đặc biệt về thu hút FDI, đón làn sóng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam sau đại dịch. Điều này cho thấy, Chính phủ thấu hiểu tầm quan trọng và đóng góp của FDI đối với việc tăng năng suất và tăng trưởng kinh tế.
Trước đó, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 nhằm nâng cao chất lượng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, kêu gọi cải thiện môi trường kinh doanh cho các nhà đầu tư ngoại; thúc đẩy liên kết, kết nối giữa khu vực FDI với thành phần kinh tế trong nước; đồng thời hướng đến nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường…
Do vậy, các chuyên gia đều có chung nhận định rằng, với những nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý, tạo mọi điều kiện đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các nhà đầu tư, dù không tránh được ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là “đất lành” thu hút vốn FDI chất lượng cao sau đại dịch.
Mọi thắc mắc về thủ tục đầu tư nước ngoài, quý khách vui lòng liên hệ tư vấn Blue để được tư vấn miễn phí.