Tại sự kiện công bố báo cáo Điểm lại chiều 17/12, chuyên gia của Ngân hàng thế giới (WB) đánh giá khu vực kinh tế đối ngoại của Việt Nam tiếp tục phát triển vững mạnh và là động lực tăng trưởng lớn nhất của Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2019.
Ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam, cho biết dòng vốn FDI có sự thay đổi lớn vài năm trở lại đây. Trước năm 2016, các nhà đầu tư đến Việt Nam rót vốn vào Việt Nam để xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh mới. Nhưng từ năm 2016 trở lại đây, vốn FDI chủ yếu chảy vào các thương vụ mua lại và sáp nhập.
Ông cho rằng thời gian tới, Việt Nam nên chú trọng phát triển thị trường trong nước thay vì phụ thuộc vào kinh tế đối ngoại. Việt Nam sẽ phải dựa vào sự năng động của khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Đây là một thách thức hiện tại và trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam còn gặp nhiều trở ngại, trong đó lớn nhất là vấn đề tiếp cận tài chính. Hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam gặp khó khăn trong tiếp cận tài chính tín dụng ngân hàng.
“Nếu muốn tăng trưởng nhanh, ta phải tạo việc làm, mà muốn tạo việc làm thì phải phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Và để làm như vậy thì họ phải tiếp cận được nguồn vốn”, ông Morisset nói.
“FDI là động lực tăng trưởng của Việt Nam và nhà đầu tư sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam – thị trường vừa ổn định, kinh tế mở. Khó tìm được nơi nào như Việt Nam trên thế giới. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách phải tự hỏi FDI nhiều thì sẽ mang lại lợi ích gì cho người dân”, chuyên gia của WB nhấn mạnh.
Ông cho biết hiện tại FDI vào Việt Nam không còn tạo nhiều việc làm trực tiếp như trước. Các nhà máy có vốn FDI không còn sử dụng nhiều lao động nữa mà thay vào đó là robot. Vì vậy, thay vì chỉ dừng lại ở tác động trực tiếp (tạo việc làm và xuất khẩu), Việt Nam cần tăng cường kết nối khối FDI với doanh nghiệp trong nước, để tạo việc làm gián tiếp, kích thích tăng trưởng kinh tế trong nước.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần đa dạng hoá FDI vào các lĩnh vực mới. “Việt Nam cần đa dạng hóa nông nghiệp, cần phải trồng thêm cây khác, tận dụng FDI và tăng cường kết nối với khu vực này. Việt Nam cần kết nối tốt hơn với đầu cuối của xuất khẩu. Chúng tôi lạc quan rằng Việt Nam đang thay đổi, nhưng có đúng hướng hay không lại là chuyện khác”, ông Morisset nói.
Đồng quan điểm với ông Morisset, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của WB cho rằng các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cần dành sự quan tâm cao nhất để xử lý những hạn chế về huy động tài chính cho doanh nghiệp nếu muốn tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bao trùm hướng tới trở thành quốc gia thu nhập cao trong những thập kỷ tới.
Ông cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam cần nhìn lại xem cần FDI như thế nào cho thế hệ tới. “Việt Nam sẽ phải nhìn vào 2 thái cực. Chúng ta đang phát triển theo kiểu đường parabol, cần phải nhìn vào ‘thượng nguồn’ và ‘hạ lưu’ của chuỗi cung ứng, vì vậy cần đến đổi mới sáng tạo. Chiến lược phát triển thành công và bền vững không thể nào chỉ dựa mãi vào FDI, mà phải cần nhìn vào nền kinh tế trong nước. Để thay đổi, cần một chiến lược về tài chính, để doanh nghiệp có thể bắt đầu và hướng ra ngoài”.
Ông nêu ví dụ về Trung Quốc khi mà cách đây vài năm, doanh nghiệp nước này cũng bối rối khi bắt đầu vươn ra nước ngoài. “Khi đó, họ đã thiết lập chính sách tổng thể về cấu trúc doanh nghiệp, củng cố cơ cấu của khu vực tư nhân trong nước, tạo nên sức mạnh của người Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp nhỏ Trung Quốc đã tập hợp lại thành một thế mạnh. Vì vậy, Việt Nam cũng phải nhìn vào thế mạnh cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước khi vươn ra bên ngoài”, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho biết.
Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ Tư vấn Blue để được tư vẫn miễn phí.