Nhiều cơ hội đánh mất vì thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp Việt và FDI. Chính phủ đã có những hành động để thúc đẩy các FDI liên kết với doanh nghiệp Việt để cùng tham gia vào chuỗi giá trị. Nhưng yếu tố chính vẫn là nỗ lực từ doanh nghiệp.
Hội trường lớn tại Melia nhanh chóng được lấp đầy tại Hội nghị “Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển chuỗi giá trị bền vững” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức.
Hàng trăm đại biểu đến từ nhiều bộ, ngành trung ương, tỉnh, thành phố, các hiệp hội, doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp nhỏ và vừa đã nhanh chóng lấp đầy các khoảng trống tại buổi Hội nghị “Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển chuỗi giá trị bền vững” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức sáng 24/7.
Không chỉ bởi bài toán hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị bền vững là câu chuyện cần sự tham gia của nhiều “cái đầu”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong phát biểu khai mạc hội nghị cũng khẳng định đây là một khâu hết sức quan trọng trong bối cảnh bước đầu kiểm soát được dịch bệnh, kinh doanh dần khôi phục, đất nước đứng trước thời cơ vận hội mới.
Câu chuyện con gà quả trứng làm mất cơ hội lớn lên của nhiều doanh nghiệp Việt
Dù có mức tăng trưởng về số lượng, nhưng hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là năng lực cạnh tranh, tham gia thị trường, tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Làm thế nào để doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) có thể lớn lên để tham gia vào chuỗi giá trị là một câu hỏi lớn và , như nhấn mạnh của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là vấn đề khó cần sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị để có thể “kết dính” với nhau.
Hai nguyên nhân chính cũng được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mổ xẻ.
Thứ nhất, các doanh nghiệp lớn và FDI khi vào Việt Nam hay khi quyết định dự án thường đã có sẵn chuỗi cung ứng sẵn sàng đi theo hoặc tự phát triển chuỗi khép kín. Cơ hội tham gia của doanh nghiệp Việt Nam còn rất khó khăn.
Thứ hai cũng chính từ quy mô nhỏ bé của doanh nghiệp Việt Nam cùng sự hạn chế trong trình độ công nghệ quản lý và chất lượng nhân lực. Các doanh nghiệp hầu như không có khả năng tích tự vốn để đầu tư, nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu khắt khe. Bên cạnh đó, còn tồn tại tâm lý e dè khi nâng cấp tiêu chuẩn để có bước đi đột phá.
Băn khoăn của các doanh nghiệp Việt là nếu đầu tư mà cuối cùng sản phẩm không tham gia được vào chuỗi sẽ không biết bán cho ai. Trong khi đó, từ phía doanh nghiệp FDI, các tiêu chuẩn đối với sản phẩm hàng hóa mà các doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng được luôn là các rào cản. Việc để nền kinh tế có hai khu vực độc lập, như ý kiến mà nhiều chuyên gia đã nêu ra từ lâu. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, câu chuyện con gà quả trứng xảy ra nhiều năm qua và không thể tiếp tục để doanh nghiệp FDI một đường, doanh nghiệp Việt một nẻo. Bởi đáng lẽ doanh nghiệp Việt có thể phát triển mạnh hơn, tận dụng FDI để lớn lên.
Yêu cầu liên kết đã được đặt lên bàn đàm phán từng dự án
Covid-19 bên cạnh những tác động tiêu cực cũng đang đem lại cơ hội thị trường khi hình thành chuỗi giá trị liên kết mới, các quốc gia đi theo định hướng không phụ thuộc hoàn toàn vào một thị trường. Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp nhìn lại và tái cấu trúc để có bước đi sắp tới bền vững hơn. Nếu không lớn lên, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể thua trên sân nhà, đánh mất thị trường xuất khẩu từ hiệp định FTA đã nỗ lực ký kết.
Để giải bài toán vươn lên tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nỗ lực của doanh nghiệp là yếu tố chính, hỗ trợ của địa phương rất quan trọng, đồng thời, định hướng nhà nước mang tính quyết định.
Ngay trong hoạt động của Tổ công tác đặc biệt vừa thành lập nhằm thu hút làn sóng đầu tư nước ngoài, đây cũng là yếu tố được đặt lên trên bàn đàm phán trong quá trình tiếp xúc với doanh nghiệp lớn hiện nay.
“Tổ đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp phải nêu ra được kế hoạch chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, đưa các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp FDI sẽ dành được ưu đãi, cao hơn cả ưu đãi hiện hành”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Ngoài ra, nhiều quy định mới như Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng đầu tư nước ngoài đến năm 2030 hay Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò chung tay của các viện, trường và trung tâm nghiên cứu nhằm góp sức vấn đề về công nghệ, quản lý, mô hình để nâng cấp doanh nghiệp. Bối cảnh hiện nay, theo Bộ trường, còn là “cơ hội ngàn vàng” để tham gia mua lại một phần toàn bộ các công ty tiềm năng có sẵn dây chuyền, thị trường mà đang có giá rất rẻ hiện nay.
Nỗ lực của các doanh nghiệp phát huy sức sáng tạo, thích ứng hoàn cảnh mới vẫn là yếu tố chính để giải bài toán này. Nhiệm vụ của các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa là đầu tư nâng cấp để đáp ứng được yêu cầu chuỗi giá trị. Trong khi đó, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn cần phát huy vai trò dẫn dắt, ưu tiên doanh nghiệp trong nước tham gia để thiết lập vị thế mới của thương hiệu Việt ở thị trường trong và ngoài nước. Đối với các doanh nghiệp FDI, Chính phủ có chính sách thu hút nhưng yêu cầu có mối quan hệ tương hỗ dể cùng lớn mạnh, tăng cường liên kết chuyển giao công nghệ, kiến thức.
“Chúng ta không còn nói đi nói lại nhiều quá, thay vào đó, cần bắt tay hành động. Hội nghị này là cơ hội để hai bên xác định cần làm gì, nhà nước có thể hỗ trợ gì để kết nối với nhau ở từng dự án, từng chuỗi, từ mục tiêu nhỏ sẽ làm dược các mục tiêu lớn hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.