12 năm kể từ khi Samsung nhận giấy phép đầu tư 670 triệu USD cho nhà máy điện thoại đầu tiên tại Việt Nam, đến nay vốn đầu tư của hãng công nghệ Hàn Quốc đã tăng lên 26 lần và doanh số xuất khẩu chiếm tỉ trọng trung bình 20-25% tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm của Việt Nam.
NGÀY 2.3.2020, Samsung công bố khởi động trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) có quy mô lớn nhất Đông Nam Á đặt tại Hà Nội. Việc đầu tư 220 triệu USD cho trung tâm này được Samsung xem là cột mốc quan trọng trong hành trình đầu tư tại Việt Nam – nơi đang là cứ điểm sản xuất lớn nhất thế giới của tập đoàn công nghệ Hàn Quốc.
“Trung tâm R&D sẽ là nơi chúng tôi hiện thực hóa cam kết đóng góp vào sự phát triển khoa học kỹ thuật của Việt Nam thông qua đào tạo và nuôi dưỡng nguồn tài năng trong lĩnh vực công nghệ cao,” ông Choi Joo Ho, tổng giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam phát biểu.
Với đầu tư lớn của Samsung, Việt Nam trở thành công xưởng lớn sản xuất thiết bị di động. Song để trở thành một trung tâm thiết kế và nghiên cứu – phát triển (R&D) của thế giới là bài toán đầy thách thức được đặt ra từ nhiều năm qua.
Samsung hoạt động tại Việt Nam từ năm 1995 như một nhà khai thác thị trường với nhà máy lắp ráp thô sơ tại Thủ Đức. Bước ngoặt lớn nhất khi nhà máy điện thoại di động mở ra tại Bắc Ninh được triển khai “thần tốc”: nhận giấy phép đầu tư 670 triệu USD giữa năm 2008, tháng 7.2009 nhà máy đạt sản lượng 1 triệu điện thoại; tháng 9.2010 cán mốc doanh thu 1 tỉ USD với 6 triệu điện thoại sản xuất tại Samsung Electronics Vietnam (SEV).
Ngày nay Việt Nam trở thành cứ địa sản xuất lớn nhất của Samsung ở nước ngoài, đồng thời Samsung trở thành nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn công bố 17,3 tỉ USD. Hàng tỉ thiết bị ra thị trường toàn cầu từ sáu nhà máy tại Việt Nam, năm 2019 mang lại doanh số xuất khẩu 59 tỉ USD, tương đương 22% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Sự gia tăng đầu tư và sản xuất của Samsung đã góp phần đưa Việt Nam nhanh chóng ghi tên trên bản đồ công nghệ toàn cầu, đồng thời đưa Hàn Quốc lên vị trí số 1 về FDI vào Việt Nam trong suốt thập niên qua. Tính trong 10 năm từ 2010-2019, vốn Hàn Quốc vào Việt Nam tăng hơn ba lần, từ 22 tỉ USD lên gần 68 tỉ USD.
Chaebol số 1 Hàn Quốc cũng từng bước tham gia vào nhiều lĩnh vực công nghiệp khác tại Việt Nam từ hạ tầng, cảng biển cho đến y tế, hàng không…
Năm 2018, khi chia sẻ về cột mốc một tỉ thiết bị di động (điện thoại, máy tính bảng, thiết bị đeo thông minh…) sản xuất tại Việt Nam, ông Shim Won Hwan, tổng giám đốc Samsung Việt Nam thời điểm đó cho biết: “Mỗi năm, quy mô thị trường điện thoại di động thế giới từ 1,4-1,5 tỉ chiếc, chặng đường 10 năm với một tỉ sản phẩm tại các nhà máy Việt Nam có ý nghĩa rất lớn đối với Samsung, là minh chứng rõ ràng về quyết tâm của chúng tôi biến Việt Nam thành cứ địa sản xuất điện thoại hàng đầu thế giới.”
Năm 2019 riêng tổ hợp SEVT (Thái Nguyên) đã cán mốc 500 triệu sản phẩm. Giữa năm 2020 tổng giám đốc SEV (Bắc Ninh) Roh Hyoung Hoon bấm nút đánh dấu sản phẩm điện thoại di động thứ 700 triệu, với kỳ vọng “sớm chia sẻ niềm vui chào mừng sản phẩm thứ một tỉ tại SEV.”
Tính đến nay, sự hiện diện của Samsung tại Việt Nam bao gồm sáu nhà máy và trung tâm R&D, trong đó SEV và SEVT là hai nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của hãng trên toàn cầu, Samsung Electrics Ho Chi Minh Complex (SEHC) là nhà máy điện tử gia dụng và SVMC là trung tâm R&D lớn nhất của Samsung tại Đông Nam Á.
Cùng với những đóng góp về kinh tế, hơn 130.000 lao động đang làm việc khắp các nhà máy này. Báo cáo tài chính của Samsung Electronics năm 2019 công bố doanh thu toàn cầu xấp xỉ 198 tỉ USD và lợi nhuận 23,46 tỉ USD. Trong đó tổng doanh thu của các nhà máy tại Việt Nam đóng góp gần 70 tỉ USD – tăng 3,9% so với năm 2018, chủ yếu từ hai khu sản xuất tại Bắc Ninh và Thái Nguyên tổng lợi nhuận khoảng 4,5 tỉ USD.
Cùng với quy mô sản xuất lớn tại Việt Nam, hệ thống nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam phát triển cùng Samsung. Năm 2018 Samsung ghi nhận cột mốc 10 năm nhà máy sản xuất điện thoại mở cửa tại Việt Nam, bên cạnh sự phát triển thần tốc về quy mô nhân lực và sản lượng là sự lớn mạnh tương ứng của hệ thống nhà cung cấp (vendor) thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Số liệu từ 2018 đã ghi nhận hơn 300 nhà cung cấp quốc tế theo chân Samsung vào Việt Nam.
Với nhà cung cấp trong nước, năm 2014 Samsung ghi nhận bốn doanh nghiệp trong nước là nhà cung ứng cấp 1 thì đến hết năm 2019 con số tăng lên 42 và dự kiến lên 50 nhà cung ứng cấp 1 trong năm nay.
Bước tiến này theo Samsung Việt Nam là kết quả của việc tham gia chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp nhằm phát triển ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam. Các chương trình tư vấn cải tiến sản xuất và chất lượng cho các doanh nghiệp do các chuyên gia Hàn Quốc hướng dẫn từ năm 2015, không nhất thiết chỉ là các doanh nghiệp thuộc chuỗi cung ứng của Samsung.
Tính đến cuối năm 2019, hệ thống này tư vấn và đào tạo cho 142 doanh nghiệp để tăng năng suất trung bình lên 30%. “Chúng tôi không chỉ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng của mình, mà còn hỗ trợ sự phát triển chung cho ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam,” Samsung Việt Nam cho biết.