Tính đến cuối năm 2019, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư 1.321 dự án ở 78 quốc gia, vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 20,6 tỉ USD.
Riêng năm 2019, các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký đầu tư ra nước ngoài khoảng 528,7 triệu USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu được Bộ Kế hoạch và đầu tư đưa ra trong báo cáo về đầu tư ra nước ngoài năm 2019 vừa gửi tới Thủ tướng.
Lợi nhuận chuyển về nước khoảng 3 tỉ USD
Có 5 doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài có vốn đăng ký vượt 1 tỉ USD gồm: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Công nghiệp cao su VN (VRG), Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (kết hợp cùng Thaco), Công ty CP Golf Long Thành.
Tổng số vốn các doanh nghiệp trong nước đã chuyển ra nước ngoài để đầu tư, góp vốn đến hết năm 2019 khoảng 9,49 tỉ USD, trong đó giải ngân lĩnh vực khai khoáng khoảng 3,5 tỉ USD, viễn thông và công nghệ thông tin 1,61 tỉ USD, nông lâm nghiệp 1,56 tỉ USD, sản xuất điện 809 triệu USD, hoạt động tài chính ngân hàng 787 triệu USD, kinh doanh bất động sản 384 triệu USD.
Về hiệu quả đầu tư ra nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết lợi nhuận chuyển về nước của các doanh nghiệp có hoạt động đầu tư tại nước ngoài tính đến nay đạt khoảng 3 tỉ USD, lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư khoảng 363 triệu USD.
Số lao động đưa đi nước ngoài làm việc tại các dự án đầu tư khoảng 10.000 người.
Bên cạnh phần vốn chuyển về nước, các doanh nghiệp Việt Nam cũng hình thành khối lượng tài sản đáng kể như nhà máy, cơ sở sản xuất giá trị hàng tỉ USD tại nước ngoài.
Quốc gia mà các doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn đầu tư nhiều nhất là Lào với 208 dự án đầu tư, vốn đăng ký đầu tư khoảng 4,9 tỉ USD, tương đương khoảng 23,8% tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài hiện nay.
Tiếp đó, các doanh nghiệp đầu tư sang Nga khoảng 2,8 tỉ USD, Campuchia khoảng 2,7 tỉ USD, Venezuena khoảng 1,8 tỉ USD, Myanmar 1,3 tỉ USD, Algeria khoảng 1,2 tỉ USD, Mỹ khoảng 690 triệu USD, Úc khoảng 400 triệu USD.
Các nhà đầu tư Việt Nam đầu tư vào 18 ngành, nghề tại nước ngoài, trong đó tập trung vốn vào các ngành khai khoáng, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, thông tin truyền thông, sản xuất, phân phối điện, khí đốt, điều hòa không khí, công nghiệp chế biến, chế tạo…
Vốn tư nhân tăng, vốn nhà nước giảm
Trong những năm gần đây, vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp trong nước có xu hướng giảm dần.
Đáng lưu ý, số lượng dự án đầu tư ra nước ngoài có quy mô vừa và nhỏ của khu vực tư nhân tăng lên trong khi số dự án đầu tư quy mô lớn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong lĩnh vực thăm dò, khai thác đầu khí, viễn thông, thủy điện… giảm mạnh.
Trong số 20,6 tỉ USD vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài, các doanh nghiệp nhà nước có số vốn đăng ký khoảng 13,8 tỉ USD, trong đó đã giải ngân khoảng 6,7 tỉ USD.
Các “ông lớn” nhà nước PVN đầu tư 27 dự án, vốn đăng ký 7,1 tỉ USD; Viettel đầu tư 10 dự án viễn thông có vốn đăng ký khoảng 3 tỉ USD; VRG đầu tư 23 dự án, vốn đăng ký khoảng 1,3 tỉ USD; Vinachem đầu tư 1 dự án muối mỏ kali tại Lào, vốn 522 triệu USD.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tư nhân như Công ty Điện Việt – Lào đầu tư 2 nhà máy điện tại Lào, 1 khách sạn bốn sao, vốn đầu tư hơn 800 triệu USD.
Các ngân hàng BIDV, MBBank, SHB, VietinBank, Vietcombank, Agribank đầu tư khoảng 830 triệu USD.
Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đầu tư 7 dự án với vốn đăng ký 1,1 tỉ USD. Tương tự, Công ty CP Golf Long Thành đầu tư 2 dự án tại Lào có vốn đăng ký khoảng 1,1 tỉ USD.
Công ty Mía đường Nghệ An đầu tư dự án chăn nuôi bò, chế biến sữa tại Nga khoảng 500 triệu USD.
Trên thực tế, trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài, bên cạnh những “trái ngọt” như Viettel đầu tư vào mảng viễn thông tại nhiều nước hay các dự án do tư nhân bỏ vốn đầu tư thì những năm qua không ít “ông lớn” nhà nước phải nhận “trái đắng” như PVN thua lỗ khi thăm dò khai thác dầu khí tỉ đô tại Venezuela, Vinachem phải “tháo chạy” khỏi dự án khai thác muối kali tại Lào.
Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ tư vấn Blue để được tư vấn miễn phí.