Những năm gần đây số vụ việc vi phạm quyền tác giả ở lĩnh vực biểu diễn, tổ chức biểu diễn lên tới hàng trăm chương trình. Ngoài ra còn hàng loạt các chương trình nghệ thuật, sự kiện khác (gồm các chương trình biểu diễn không bán vé, không công khai trên các phương tiện truyền thông) tuy sử dụng tác phẩm âm nhạc để biểu diễn nhưng không thực hiện quy định về quyền tác giả vẫn diễn ra. Đây là một thực trạng đáng báo động về xâm phạm quyền tác giả với số lượng vô cùng lớn và chưa có biện pháp kiểm soát.
Theo báo cáo của bộ phận Pháp chế, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), tình trạng vi phạm quyền tác giả âm nhạc trong lĩnh vực biểu diễn, tổ chức biểu diễn những năm gần đây lên tới 132 chương trình biểu diễn. Với trách nhiệm của một tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, khi phát hiện các trường hợp vi phạm hoặc khi các quyền, các tác phẩm âm nhạc thuộc phạm vi quản lý và bảo vệ của VCPMC có nguy cơ bị xâm phạm, VCPMC đều đã nỗ lực gửi cảnh báo và đề nghị yêu cầu trả tiền nhuận bút sử dụng tác phẩm đến các đơn vị tổ chức biểu diễn.
Tuy nhiên hầu hết các đơn vị đều tìm cách né tránh, không thực hiện quy định xin phép, trả tiền sử dụng quyền tác giả, dẫn đến việc quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả bị xâm phạm, thiệt hại và không được tôn trọng, gây nên nhiều bức xúc ở các tác giả sáng tác âm nhạc. Thời gian qua, VCPMC đã tiến hành khởi kiện một số vụ việc xâm phạm quyền tác giả âm nhạc ra Tòa. Đến nay, quá trình giải quyết không đạt hiệu quả như mong muốn, thời gian kéo dài. Trong số 8 vụ việc khởi kiện ra Tòa (tính riêng lĩnh vực biểu diễn) thời gian qua nhưng vẫn chưa có vụ việc nào được đưa ra xét xử, chưa kể một số vụ cũng chưa được Tòa thụ lý mặc dù đã quá thời hạn.
Đồng thời, trong quá trình giải quyết, Tòa cũng gặp khó khăn do gửi giấy triệu tập nhiều lần hoặc mở phiên hòa giải nhưng bị đơn đều không đến, vắng mặt không thông báo lý do. Cụ thể, chương trình “Khánh Ly – Như một lời chia tay” diễn ra từ tháng 9.2018 do Công ty cổphần BờBiển Vàng tổ chức vậy mà đến nay vẫn chưa thực hiện quyền tác giả và cũng chưa được tòa xét xử; Liveshow “Câu chuyện Bằng Kiều” diễn ra tháng 8.2019 do Công ty CP Truyền thông Max tổ chức, đến nay cũng chưa thực hiện quyền tác giả và tòa án thụ lý, chưa xét xử….
Việc kiểm tra, xử lý vi phạm trên thực tế thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn; số lượng các vụ việc vi phạm xảy ra tràn lan, nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn có thái độ thiếu hợp tác, thách thức, dù cơ quan nhà nước mời làm việc nhiều lần cũng không đến, hoặc tìm kiếm lý do để trì hoãn, hoặc có làm việc nhưng không tuân thủ nội dung biên bản làm việc… Tình trạng này khiến cho việc xử lý vi phạm khó giải quyết dứt điểm hoặc không thể giải quyết, hoặc lại phải chuyển sang giải quyết bằng biện pháp dân sự, tiếp tục kéo dài và bất cập như trên đã phân tích.
Đối với một số chương trình biểu diễn có sử dụng tác phẩm âm nhạc nước ngoài được tổ chức tại một số thành phố lớn tại Việt Nam, một số tổ chức quản lý tập thể bản quyền (CMOs) như SACEM (Pháp), PRS (Anh), GEMA (Đức)… đã gửi e-mail đến VCPMC hỏi thông tin về chương trình/bài hát nước ngoài đã được cấp phép sử dụng để biểu diễn hay chưa. Cụ thể chương trình “Moonsoon festival” diễn ra ngày 26.3.2019, tại TP.HCM; “BoneyM Joy concert” diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội, ngày 3.8.2019; “Make Life Flavorful – Independence Palace” diễn ra ngày 5.5.2019, tại Hội trường Thống Nhất, 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P. Bến Thành, quận 1, TP.HCM…
Do đó, hầu hết các cuộc biểu diễn mà một số tổ chức nước ngoài hỏi đều không nhận được thông tin hay có kết quả. Tương tự các tác giả trong nước, các tác giả của các tác phẩm âm nhạc nước ngoài cũng bị thiệt hại về lợi ích, bản quyền tác phẩm/quyền tác giả bị xâm phạm và không được bảo vệ đúng mức. Điều này có thể tác động đến ấn tượng và đánh giá của nước bạn về một thị trường âm nhạc tại Việt Nam thiếu nghiêm túc, thiếu chuyên nghiệp, thiếu tích cực trong thực thi bản quyền, cũng như ảnh hưởng đến các cam kết giữa Việt Nam với quốc tế, các điều ước mà Việt Nam đã ký kết.
Việc xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả trên thực tế chưa đạt hiệu quả như mong muốn, cũng như chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu bức thiết trong công tác thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, không đủ sức để ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi xâm phạm, đặc biệt đối với một loại tài sản trí tuệ hết sức đặc thù, rất dễ bị xâm phạm như tác phẩm âm nhạc nói riêng, tác phẩm văn học – nghệ thuật nói chung. Bên cạnh đó, dù có áp dụng đầy đủ các biện pháp để bảo vệ quyền theo quy định của pháp luật thì với thực trạng vi phạm về quyền tác giả tràn lan như hiện nay, cùng với nhận thức, ý thức pháp luật của người sử dụng âm nhạc chưa thực sự đầy đủ, nghiêm túc, hành vi xâm phạm và hậu quả cũng đã xảy ra, quyền và lợi ích của tác giả đã bị xâm phạm cùng với những tổn thương tinh thần của tác giả khó có thể bù đắp.
Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ Tư vấn Blue để được tư vẫn miễn phí.