T2, 07 / 2020 4:17 chiều | hanhvinhlong

Xâm phạm bản quyền tác giả, tác phẩm và quyền liên quan trong lĩnh vực điện ảnh và phim truyền hình đang diễn biến phức tạp, gây tổn hại cho các tác giả, chủ sở hữu bản quyền, gây thất thoát cho chủ sở hữu tác phẩm. Sự kiện thành lập Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam những ngày vừa qua mang đến nhiều kỳ vọng cho các nghệ sĩ điện ảnh, đội ngũ sáng tác phim truyền hình.

Bản quyền phim điện ảnh và truyền hình Việt Nam

Hàng tỷ đồng bị thất thoát

Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình ra đời trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, nhiều nghệ sĩ điện ảnh, các nhà sản xuất, hãng phim, đài truyền hình bức xúc khi không bảo vệ được tác quyền cho tác phẩm mà họ đã phải mất rất nhiều tâm sức để xây dựng nên.

Ở lĩnh vực truyền hình, thời gian gần đây đã ghi nhận khá nhiều vụ việc vi phạm bản quyền. Năm 2018, 2 bộ phim ăn khách là Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng, ngay trong tháng đầu tiên phát sóng đã có trên 400 tài khoản Facebook và YouTube vi phạm.

Gần đây, phim Về nhà đi con và Hoa hồng trên ngực trái thu hút lượng lớn khán giả truyền hình thì các trích đoạn cũng như cả bộ phim cũng xuất hiện tràn lan trên mạng internet và trang mạng xã hội YouTube. Trước đó, năm 2012 bộ phim truyền hình Những đứa con biệt động Sài Gòn mới trong giai đoạn chuẩn bị bán cho các đài truyền hình thì đĩa phim lậu đã bán khắp thị trường.

Với phim truyện điện ảnh thì nạn nhân có thể kể đến là Dòng máu anh hùng. Phim dù lập kỷ lục bán vé, thu về 4 tỷ đồng trong chỉ 3 tuần đầu công chiếu nhưng vẫn lỗ vì bản quyền bị xâm phạm nghiêm trọng.

Không chỉ là tổn thất về mặt kinh tế, câu chuyện vi phạm bản quyền còn gây ảnh hưởng về uy tín với các đối tác đầu tư. Theo Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, những trang mạng có lượt người xem từ 70-80 triệu lượt người/tháng có thể gây thiệt hại cho ngành sản xuất phim điện ảnh và truyền hình Việt Nam khoảng 1 triệu USD, tức khoảng 23 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc xử phạt khó triệt để. Nhiều trang web đặt máy chủ ở nước ngoài, hoặc khi phát hiện thì lập trang web mới. Các trang web đều được đăng ký tên miền quốc tế, chủ thể ẩn danh, hoặc khai báo thông tin không đúng để tránh sự kiểm tra của cơ quan quản lý. Điều này khiến việc cơ quan chức năng sử dụng biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn chỉ mang tính chất tương đối.

Tại thời điểm này, chính những người trong cuộc cũng thừa nhận việc đảm bảo tác quyền phim vẫn đang là vấn đề hết sức đau đầu. Không chỉ các tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình mà nhiều nghệ sĩ làm phim ngắn hoặc web drama (phim chiếu mạng), chỉ mới đăng trên mạng xã hội, Facebook hoặc YouTube đã bị đánh cắp.

Thực tế là có đăng ký tác quyền nhưng vẫn bị xâm phạm. Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam dù còn non trẻ nhưng vẫn đang nỗ lực tìm đường đi hiệu quả để có thể bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các nghệ sĩ điện ảnh, truyền hình. Các tác giả đều mong muốn hội sẽ là điểm tựa tinh thần cho họ.

“Sau 6, 7 năm trời chuẩn bị, sự ra đời của hội là cả hành trình vượt khó. Chắc rằng đoạn đường phía trước còn gian nan nhưng chúng tôi tin rằng với sự đồng lòng của tập thể, hội sẽ làm được điều gì đó cho các nghệ sĩ, góp phần bảo vệ tác quyền cho từng cá nhân cũng như các nhà sản xuất, hãng phim…”, tân Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam – nghệ sĩ điện ảnh Quyền Linh – chia sẻ.

Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ tư vấn Blue để được tư vấn miễn phí.

Bài viết cùng chuyên mục