Thành lập một doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực cung ứng lao động thì phải làm như thế nào? Hồ sơ, thủ tục cần chuẩn bị ra sao mới đầy đủ và hợp lệ? Tư vấn Blue xin được giới thiệu trong bài viết sau.
Cung ứng lao động hay còn gọi là hoạt động cho thuê lại lao động (theo thuật ngữ pháp lý) là hoạt động một doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh cho thuê lại lao động, ký hợp đồng với người lao động nhưng không trực tiếp sử dụng mà cho doanh nghiệp khác thuê lại. Người lao động vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động nhưng làm việc cho doanh nghiệp thuê lại và chịu sự quản lý của doanh nghiệp đó. Bởi vì những năm gần đây, pháp luật mới thừa nhận hoạt động cung ứng lao động nên quy định của pháp luật điều chỉnh về vấn đề này còn hạn chế và phần lớn chỉ tập trung vào hoạt động cấp phép kinh doanh.
Kinh doanh dịch vụ cung ứng lao động là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo quy định tại Điều 54 Bộ luật lao động 2012 thì điều kiện đối với doanh nghiệp cho thuê lại lao động đó là doanh nghiệp phải ký quỹ và được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động.
Theo quy định tại nghị đinh 55/2013/NĐ-CP thì điều kiện để được cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động:
- Đã thực hiện ký quỹ 2.000.000.000 đồng;
- Bảo đảm vốn pháp định đối với ngành nghề kinh doanh hoạt động cho thuê lại lao động là 2.000.000.000 đồng;
- Có trụ sở theo quy định: Địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp cho thuê phải ổn định và có thời hạn ít nhất từ 02 năm trở lên; nếu là nhà thuộc sở hữu của người đứng tên đăng ký kinh doanh thì trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại hoặc gia hạn Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động phải có giấy tờ hợp lệ, nếu là nhà thuê thì phải có hợp đồng thuê nhà có thời hạn thuê từ 02 năm trở lên;
- Người đứng đầu doanh nghiệp bảo đảm điều kiện theo quy định, cụ thể:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, lý lịch rõ ràng;
- Có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực cho thuê lại lao động từ 03 năm trở lên;
- Trong 03 năm liền kề trước khi đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, không đứng đầu doanh nghiệp đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc không tái phạm hành vi giả mạo hồ sơ xin cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hồ sơ xin cấp, cấp lại hoặc gia hạn Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.
Riêng đối với doanh nghiệp nước ngoài liên doanh với doanh nghiệp trong nước phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
- Phải là doanh nghiệp chuyên kinh doanh cho thuê lại lao động, có vốn và tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp từ 10.000.000.000 đồng trở lên (được xác định bởi một trong các văn bản sau: Giấy phép đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó hoạt động cho thuê lại lao động là nội dung được cấp phép; Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động do cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại cấp; Văn bản khác do cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại cấp cho doanh nghiệp để tiến hành hoạt động cho thuê lại lao động).
- Đã có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lại lao động từ 05 năm trở lên (được xác định bởi hợp đồng mà doanh nghiệp đã tiến hành hoạt động cho thuê lại lao động, trong đó thể hiện thời gian hoạt động cho thuê lại lao động đã được cấp phép theo quy định nước sở tại và các tài liệu liên quan nếu có).
- Có giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại chứng nhận doanh nghiệp và người đại diện phần vốn góp của doanh nghiệp chưa có hành vi vi phạm pháp luật nước sở tại hoặc pháp luật của nước có liên quan.
- Trong những điều kiện trên, điều kiện về vốn pháp định, người đứng đầu doanh nghiệp và trụ sở doanh nghiệp cần đáp ứng đầy đủ tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp. Còn điều kiện về ký quỹ thì doanh nghiệp cần thực hiện khi xin cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động (trước khi tiến hành kinh doanh).
Về thủ tục thành lập doanh nghiệp, cần lưu ý chuẩn bị hồ sơ gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Điều lệ công ty;
- Danh sách thành viên hoặc cổ đông công ty (nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần);
- Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực:
- Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên là cá nhân;
- Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức;
- Quyết định góp vốn đối với thành viên là tổ chức;
- Quý khách hàng cần lưu ý trước khi nộp hồ sơ, cần đảm bảo tên doanh nghiệp không bị trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp đã đăng ký trên phạm vi toàn quốc và không vi phạm điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp.
Về ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp có thể tham khảo một số ngành nghề như: Hoạt động của các trung tâm, đại lý tư vấn, giới thiệu và môi giới lao động, việc làm (7810); Cung ứng lao động tạm thời (7820); Cung ứng và quản lý nguồn lao động (7830). Ngoài ra, quý khách hàng có thể đăng ký những ngành nghề có liên quan để thuận lợi hơn trong quá trình kinh doanh và nhu cầu mở rộng quy mô hoạt động sau này.
Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp
Doanh nghiệp sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được công khai. Doanh nghiệp nộp phí và gửi Giấy đề nghị công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp tới Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký.
Khắc dấu và thông báo mẫu dấu
Theo quy định mới thì doanh nghiệp có quyền tự quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp.
Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ Tư vấn Blue để được tư vẫn miễn phí.