Góp vốn thành lập doanh nghiệp là việc mà các thành viên hay cổ đông chuyển số tài sản của mình vào một doanh nghiệp để trở thành chủ sở hữu hay đồng sở hữu công ty. Những quy định về góp vốn trong doanh nghiệp là gì, Tư vấn Blue sẽ hướng dẫn trong bài viết sau.
Khái niệm góp vốn, vốn điều lệ
Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của Công ty. Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã thành lập.
Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần.
Phần vốn góp là tổng giá trị thành sản của một thành viên đã góp hoặc cam kết góp vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh. Tỷ lệ phần vốn góp là tỷ lệ giữa phần vốn góp của một thành viên và vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh.
Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền khác theo quy định của luật Sở hữu trí tuệ. Lưu ý: chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp của quyền tác giả, quyền liên quan nói tên mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn.
Xử lý khi Không góp đủ phần vốn đã đăng ký
Trong công ty TNHH hai thành viên trở lên, khi đã hết thời hạn là 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp mà thành viên chưa góp hoặc không góp đủ phần vốn như đã cam kết góp thì sẽ bị xử lý như sau:
– Đối với thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty;
– Đối với thành viên chưa góp đủ phần vốn như đã cam kết thì chỉ có các quyền tương ứng với phần vốn đã góp;
Trong công ty cổ phần, thì các cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua sẽ đương nhiên không còn là cổ đông công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác; đối với cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua sẽ có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán, không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác.
Và chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty, thiệt hại do không góp, không góp đủ, không góp đúng hạn vốn điều lệ.
Mức hình phạt cho việc không góp đủ vốn
Khi chủ sở hữu công ty, cổ đông công ty không góp đủ vốn thì công ty bắt buộc phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ cổ phần bằng đúng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn (tức sau 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) và Công ty TNHH hai thành viên trở lên là 60 ngày.
Kể từ thời điểm phải thay đổi vốn điều lệ mà doanh nghiệp không tiến hành thực hiện công việc này, thì mức phạt tiền có thể lên đến 20.000.000 VNĐ.
Chứng minh đã góp vốn vào công ty
Theo quy định, công ty phải lập và lưu giữ sổ đăng ký thành viên, Công ty cổ phần phải lập và lưu giữ sổ đăng ký cổ đông ngay sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Các tài liệu này thể hiện rõ tỷ lệ góp vốn, cổ phần, loại tài sản góp vốn … do vậy, các loại sổ này cùng với giấy chứng nhận vốn góp, cổ phiếu là tài liệu pháp lý quan trọng để xác định hoạt động góp vốn trên thực tế của thành viên công ty.
Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ Tư vấn Blue để được tư vẫn miễn phí.