T7, 12 / 2019 2:32 sáng | hanhvinhlong

Bạn đang muốn thành lập công ty, nhưng lại gặp rất nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp để sao cho việc thành lập công ty được tiến hành thuận lợi. Hãy cùng Tư vấn Blue Vĩnh Long chúng tôi tìm hiểu nội dung bài viết hôm nay về những lưu ý quan trọng khi tiến hành thành lập công ty như sau.

Hình minh họa

Lựa chọn chủ thể/ người đứng đầu/ thành viên góp vốn

Trước khi thành lập bất kỳ một loại hình công ty nào, thì công ty đó cũng cần xác định chủ sở hữu hay chính là những chủ thể sáng lập nên công ty. Chẳng hạn đối với doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp là ai? Đối với công ty TNHH một thành viên, thì chủ công ty là ai? Đối với Công ty hợp danh, Công ty cổ phần thì những ai là người góp vốn?

Pháp luật Việt Nam quy định mọi cá nhân/ tổ chức có quyền thành lập công ty nhưng phải đảm bảo không thuộc trường hợp bị cấm thành lập hoặc quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam.

Những trường hợp đó có thể kể đến như:

– Là cán bộ, công chức, viên chức;

– Là sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; Công an nhân dân Việt Nam;

– Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự;

– Tổ chức không có tư cách pháp nhân;

– Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù;

Xác định số lượng thành viên góp vốn

Việc xác định số lượng thành viên góp vốn khi thành lập công ty cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng, vì giống như những cái cột của một ngôi nhà, những thành viên góp vốn/ cổ đông sáng lập công ty là trụ cột then chốt, quyết định sự tồn tại, phát triển và đứng vững của doanh nghiệp.

Nếu đã có sẵn những đối tác trong kinh doanh, có sự tin tưởng cao, đồng mục tiêu, lý tưởng và định hướng kinh doanh, các nhà đầu tư có thể dễ dàng đưa ra ý kiến nhất trí trong hoạt động kinh doanh.

Nhưng nếu những yếu tố trên chưa được đáp ứng thì bạn nên cân nhắc, lựa chọn thật kỹ khi hợp tác với các đối tác chưa có nhiều sự tìm hiểu, thân thiết, vì sẽ gây ra nhiều bất lợi hoặc khó khăn trong quá trình kinh doanh sau này.

Trong trường hợp bạn muốn thành lập công ty cho riêng mình thì sao? Khi đó bạn có thể lựa chọn loại hình công ty phù hợp, mức vốn đầu tư và xem xét lựa chọn các ngành nghề kinh doanh, mời bạn đọc theo dõi thêm các đề nghị dưới đây.

Lựa chọn loại hình doanh nghiệp

Nếu bạn đang phân vân giữa việc nên lựa chọn loại hình doanh nghiệp nào khi thành lập công ty, hãy cùng chúng tôi phân tích một chút về đặc điểm của các loại hình này.

Hiện nay, Luật quy định có 5 loại hình công ty chính với một số đặc điểm như sau:

Doanh nghiệp tư nhân: Là công ty có một cá nhân làm chủ. Không có tư cách pháp nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn về nghĩa vụ trả nợ và các trách nhiệm khác của doanh nghiệp mình. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành chứng khoán, huy động vốn từ nhà đầu tư khác.

Đây là loại hình công ty có mức độ rủi ro cao nhất, và được ít nhà đầu tư quan tâm thành lập vì chế độ chịu trách nhiệm vô hạn.

Công ty hợp danh: Là công ty có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài ra công ty có thể có thêm thành viên góp vốn; có tư cách pháp nhân, không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

Thành viên hợp danh phải là cá nhân và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;

Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

Công ty TNHH một thành viên: Là công ty do một cá nhân hoặc một tổ chức làm chủ sở hữu, chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn góp vào công ty, công ty TNHH MTV có tư cách pháp nhân nhưng không được phát hành chứng khoán.

Đây là loại hình công ty được khá nhiều nhà đầu tư lựa chọn khi thành lập công ty cho gia đình hay cho bản thân họ, chế độ chịu trách nhiệm hữu hạn đảm bảo mức độ rủi ro ở mức vốn góp, quy mô kinh doanh không quá lớn, nhà đầu tư lại dễ dàng quản lý doanh nghiệp.

Công ty TNHH hai thành viên trở lên: Là công ty có từ hai cá nhân hoặc hai tổ chức đến không quá 50 cá nhân/ tổ chức tham gia góp vốn thành lập, có tư cách pháp nhân, nhưng không được phát hành chứng khoán. Các cá nhân/ tổ chức chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

Dường như loại hình này cũng được nhiều nhà đầu tư lựa chọn khi mong muốn thành lập công ty kinh doanh với các đối tác tin cậy, quy mô kinh doanh vừa và nhỏ, không có nhu cầu huy động vốn từ đại chúng.

– Công ty cổ phần: Là công ty có ít nhất 3 cá nhân hoặc tổ chức tham gia góp vốn thành lập, các cổ đông góp vốn chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn góp vào công ty, công ty cổ phần có tư cách pháp nhân, được phát hành chứng khoán.

Công ty cổ phần là loại hình công ty có bộ máy tổ chức quản lý chặt chẽ, có khả năng huy động vốn cao từ nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, tuy nhiên cũng có một số điểm hạn chế như bộ máy hơi cồng kềnh, khó quản lí, nếu số lượng thành viên đông dẫn đến việc điều hành công ty gặp không ít khó khăn.

Lựa chọn tên, trụ sở chính, ngành nghề kinh doanh cho công ty

Khi lựa chọn tên cho doanh nghiệp bạn cần lưu ý không thuộc trường hợp cấm quy định tại Điều 39 Luật Doanh nghiệp năm 2014;

– Trụ sở chính của công ty, được xác định gồm

  • Số nhà + tên đường + tên phường/ xã/ thị trấn + tên quận/ huyện/ thị xã/TP thuộc tỉnh + TP trung ương/ tỉnh.

Nếu bạn dự định đặt trụ sở công ty trong tòa nhà chung cư, hoặc thuê nhà chung cư làm trụ sở công ty thì bạn cần phải kiểm tra xem các giấy tờ pháp lí của căn hộ đó có chức năng cho thuê văn phòng/ kinh doanh thương mại hay là chỉ có chức năng là nhà ở. Nếu không có chức năng kinh doanh/ thương mại thì không được tiến hành các hoạt động kinh doanh và khi đó bạn sẽ chịu nhiều rủi ro.

– Ngành nghề kinh doanh: Cần xem các quy định về những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, để xem mình có đáp ứng được những điều kiện đó không, còn cần bổ sung giấy tờ gì,…

Thành lập công ty cần bao nhiêu vốn

Chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi từ bạn đọc về thành lập công ty hết bao nhiêu tiền, thành lập công ty cần bao nhiêu vốn? Hiện nay pháp luật không quy định mức vốn điều lệ cứng dành cho mỗi loại hình công ty, cũng không quy định mức vốn điều lệ tối đa khi thành lập công ty.

Tuy nhiên, bạn cần tìm hiểu về quy định của vốn pháp định đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện và vốn ký quỹ đối với những ngành nghề kinh doanh có yêu cầu ký quỹ.

Hồ sơ thành lập công ty cần những gì.

Đối với mỗi loại hình doanh nghiệp thì sẽ có những yêu cầu khác nhau về hồ sơ đăng ký thành lập công ty, dưới đây là những hồ sơ thành lập cơ bản:

  • Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh;
  • Dự thảo Điều lệ Công ty;
  • Danh sách cổ đông sáng lập/ thành viên hợp danh/ thành viên góp vốn;
  • Bản sao hợp lệ giấy tờ tùy thân (CMND hoặc thẻ căn cước công dân) của người đại diện pháp luật công ty;
    Tờ khai thông tin người nộp hồ sơ;
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Trong trường hợp có nhà đầu tư nước ngoài);
  • Giấy phép hành nghề/ Giấy phép hoạt động kinh doanh .. khi hoạt động kinh doanh ngành nghề có điều kiện.

Các thủ tục sau khi có giấy phép đăng ký kinh doanh, mã số thuế, con dấu

  • Treo bảng hiệu tại trụ sở công ty;
  • Mua chữ ký số để nộp tờ khai thuế, ký các hồ sơ điện tử qua mạng internet;
  • Nộp tờ khai thuế môn bài;
  • Mở tài khoản ngân hàng của công ty;
  • Khai thuế ban đầu tại chi cục thuế nơi công ty đặt trụ sở chính;
  • Hoàn tất thủ tục đặt in và phát hành hóa đơn GTGT cho doanh nghiệp;
  • Hoàn tất các điều kiện kinh doanh khác (nếu kinh doanh các ngành nghề có điều kiện)

Quý vị cần tìm hiểu thêm các thông tin về thành lập công ty có thể liên hệ ngay với Tư vấn Blue chúng tôi để được tư vấn chi tiết hơn.

Bài viết cùng chuyên mục