Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là trọng tâm ưu tiên của Chính phủ trong những năm qua. Năm 2019 năng lực cạnh tranh quốc gia của nước ta theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới tăng 3,5 điểm và 10 bậc. Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của nước ta theo xếp hạng của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tăng 3 bậc với 6/7 nhóm trụ cột tăng điểm. Kết quả cải thiện Môi trường kinh doanh theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB) năm 2019 tăng 1,2 điểm…
Tuy vậy, chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta vẫn tiếp tục xếp vào loại thấp và trung bình thấp; và chỉ xếp thứ 5 hoặc thứ 6 trong các nước ASEAN; đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực cải cách mạnh mẽ để đạt mục tiêu trong nhóm 4 nước đứng đầu ASEAN.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 theo Nghị quyết của Quốc hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, Chính phủ ban hành Nghị quyết này tiếp nối Nghị quyết số 02 (năm 2019) và các Nghị quyết số 19 (các năm 2014 – 2018) về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Phấn đấu tăng xếp hạng môi trường kinh doanh lên 5-7 bậc
Dự thảo Nghị quyết đặt mục tiêu năm 2020 phấn đấu cải thiện thứ bậc trên các bảng xếp hạng như sau: Môi trường kinh doanh trong xếp hạng EoDB (của WB) lên 5 – 7 bậc; Năng lực cạnh tranh trong xếp hạng GCI 4.0 (của WEF) lên 2 – 3 bậc; đổi mới sáng tạo trong xếp hạng GII (của WIPO) lên 2 – 3 bậc; Chính phủ điện tử (của UN) lên 10 – 15 bậc.
Để đạt được các mục tiêu trên, bản dự thảo cũng nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Cụ thể, về Khởi sự kinh doanh, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính trong Quý I/2020 kiến nghị sửa đổi Nghị định số 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài, trong đó, bãi bỏ thủ tục khai lệ phí môn bài, chuyển yêu cầu nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 của năm kế tiếp. Giám sát việc thực thi quy định về tự in, mua hóa đơn đảm bảo đúng thời hạn 02 ngày theo quy định. Đẩy mạnh việc sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) theo hướng bãi bỏ hoặc đơn giản hóa các thủ tục không cần thiết, không phù hợp nhằm rút ngắn thời gian và chi phí gia nhập thị trường.
Về Cấp phép xây dựng: Các Bộ: Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Công an, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện đầy đủ Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 13/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các biện pháp rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan; giám sát và tăng cường kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ thực thi công vụ trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan.
Về Tiếp cận tín dụng: Ngân hàng Nhà nước chủ trì, tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp duy trì chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch.
Đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4
Dự thảo nêu rõ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ đạo thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4; cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau; đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác băng tần 2.6GHz triển khai mạng 4G; đảm bảo cho các doanh nghiệp viễn thông được thi tuyển, đấu giá, cấp phép băng tần theo đúng quy định của pháp luật. Báo cáo tình hình và kết quả triển khai thực hiện trong quý II năm 2020.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm tiền di động (Mobile-Money), hoàn thành trong năm 2020.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tất cả các trường học phối hợp với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để thu học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; đến hết năm 2020, 100% trường học trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí qua ngân hàng.
Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ Tư vấn Blue để được tư vẫn miễn phí.